|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp đổ bộ lên sàn chứng khoán

06:53 | 22/09/2021
Chia sẻ
Trong những tháng cuối năm và năm sau, thị trường chứng khoán sẽ đón thêm hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, Vietcombank và VPBank là những nhà băng sẽ phát hành số lượng lớn.
Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp đổ bộ lên sàn chứng khoán - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Lê Huy).

Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp lên sàn

Trong vài tháng tới đây, hàng tỷ cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu riêng lẻ và cổ phiếu ESOP được các ngân hàng phát hành sẽ ồ ạt đổ bộ lên sàn chứng khoán.

Gần đây nhất, Chính phủ đã phê duyệt phương án bổ sung vốn nhà nước thêm gần 7.700 tỷ đồng cho Vietcombank để duy trì tỷ lệ sở hữu. Đây là bước đệm để ngân hàng được phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ.

Theo kế hoạch, Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 50.401 tỷ đồng thông qua phát hành thêm hơn 1,3 tỷ cổ phiếu (tỷ lệ 34,1%) để trả cổ tức và chào bán riêng lẻ.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu (tỷ lệ 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, nâng vốn điều lệ lên hơn 47.325 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Vietcombank cho biết sẽ phát hành riêng lẻ gần 308 triệu cổ phiếu, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư. Thời gian thực hiện trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022 nếu chưa hoàn thành.

Tương tự, VPBank vừa qua cũng đã được đồng ý cho tăng vốn thêm tối đa gần 19.758 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng, tăng 80% so với hiện tại.

Cụ thể, theo phương án mà ngân hàng đã chốt, VPBank sẽ phát hành 1,53 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 62,15% và hơn 440 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 17,85%. Ngân hàng cho biết thời điểm thực hiện dự kiến trong năm 2021 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông qua.

Mới đây, ngân hàng SHB đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 7.413 tỷ đồng thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10,5% và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 28% với giá dự kiến 12.500 đồng/cp.

Nếu cả hai đợt phát hành đều thành công, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng vọt lên gần 26.700 tỷ đồng, tức hơn gần 40% so với hiện tại.

Hai nhà băng khác là KienlongbankMSB sắp tới đây cũng sẽ phát hành lần lượt là 41,5 triệu (tỷ lệ 13%) và 352,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 30%) để trả cổ tức năm 2020.

Ngoài ra, HDBank có kế hoạch phát hành 40 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cp cho cán bộ nhân viên ngân hàng; qua đó, tăng vốn điều lệ thêm 400 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021 và 2022.

Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp đổ bộ lên sàn chứng khoán - Ảnh 2.

Kế hoạch phát hành cổ phiếu của các ngân hàng trong thời gian tới. (Ảnh: Lê Huy tổng hợp).

Bổ sung nguồn vốn cho dài hạn

Chia cổ tức bằng cổ phiếu là nguồn chính cho việc tăng số lượng cổ phiếu ngân hàng sắp tới. Xung quanh những ảnh hưởng từ việc ngày tới giá cổ phiếu cũng có nhiều ý kiến nhận định trái chiều. 

Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu khiến giá cổ phiếu bị pha loãng khá nhiều, như trong trường hợp của VPBank, giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh giảm khoảng gần một nửa so với hiện tại. 

Có ý kiến cho rằng sự pha loãng hay tăng nguồn cung cổ phiếu có thể giảm một phần sức hút của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu "vua", dòng tiền trong quý III được dự đoán sẽ lan tỏa sang nhiều ngành hơn.

Mặc dù vậy, tăng vốn cũng sẽ giúp ngân hàng cải thiện sức khỏe, đảm bảo các tỷ lệ an toàn cũng như bổ sung nguồn vốn trong trung - dài hạn. Từ đó, khả năng được nới room tín dụng và dư địa cải thiện lợi nhuận của các nhà băng này cũng cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Trong dài hạn, giới phân tích đều có cái nhìn khả quan với triển vọng cổ phiếu ngân hàng. Song, ở ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng diễn biến cuối năm tại các cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh. 

"Nhà đầu tư có thể tìm kiếm những cổ phiếu có khả năng duy trì tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm nay, và có câu chuyện riêng chẳng hạn như câu chuyện tăng vốn để làm động lực cho tăng trưởng trong dài hạn, không chỉ trong nửa cuối năm nay và cả các năm sau nữa", theo ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc đầu tư Quỹ SSIAM.

Lê Huy

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.