Cổ phiếu ngân hàng ghi nhận một tuần ảm đạm, nhiều mã chạm mức thấp nhất trong nửa năm, TPB ngược dòng tăng điểm
26/27 mã ngân hàng giảm giá
Diễn biến ảm đạm bao trùm nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua (27/9 - 1/10) với 26/27 mã niêm yết và giao dịch trên UPCoM giảm giá.
Trong đó, cổ phiếu VIB là mã giảm sâu nhất (-10,8%) với cả 5 phiên trong tuần đều giảm. Với giá 34.300 đồng/cp kết phiên cuối tuần, cổ phiếu này đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3 trở lại.
Trái ngước với đà tăng mạnh của tuần trước, cổ phiếu KLB của Kienlongbank trong tuần qua chỉ đứng sau VIB khi giảm gần 10% xuống còn 21.900 đồng/cp. Cùng với đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên UPCoM như SGB, NAB, BVB... cũng ghi nhận mức điều chỉnh đáng kể từ 5 - 8%.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu ngân hàng "quốc dân" như CTG, STB và LPB tiếp tục khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng khi giảm điểm vào những phiên cuối tuần. Ba cổ phiếu này lần lượt kết tuần ở mức 29.750 đồng/cp, 24.700 đồng/cp và 20.900 đồng/cp, thấp nhất trong nửa năm trở lại.
Ngoài ra, một số mã bluechip khác như HDB, TCB, VCB... cũng không thoát khỏi sắc đỏ, điều chỉnh giảm từ 2,5% - 3,5%.
Duy nhất cổ phiếu TPB của TPBank còn giữ được sắc xanh trong tuần qua, tăng 2,4% lên 42.600 đồng/cp, tiếp tục lập nên đỉnh lịch sử mới.
Thanh khoản của nhóm ngân hàng trong tuần qua có giảm nhẹ so với tuần trước, song vẫn cao hơn mặt bằng chung vài tuần trước đó. Cụ thể, tuần qua có tổng cộng gần 609 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, giảm 7,6% so với tuần trước. Giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 20.030 tỷ đồng, giảm 10,8%.
Trong đó, STB và SHB tiếp tục là hai mã dẫn đầu về thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt lần lượt là 76,5 triệu và 71,8 triệu đơn vị. Các mã MBB, TPB, CTG, MSB xếp sau đó với khối lượng giao dịch dao động từ 45 - 55 triệu đơn vị.
Dòng tiền ngoại có xu hướng rút khỏi nhóm ngân hàng trong tuần qua, tập trung vào các nhà băng có vốn hóa lớn như VCB (bán ròng 133 tỷ đồng), HDB (bán ròng 126 tỷ đồng), CTG (bán ròng 90 tỷ đồng)...
Trong khi đó, trên thị trường thỏa thuận, cổ phiếu MSB gây chú ý khi trong phiên cuối cùng của tuần, các nhà đầu tư nước ngoài đã trao tay gần 13 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch tương đương đạt gần 406 tỷ đồng, tức trung bình khoảng 31.300 đồng/cp, sát với mức đỉnh lịch sử hồi giữa tháng 8.
Xét về giá trị giao dịch, cổ phiếu VPB đứng đầu với hơn 2.604 tỷ đồng, cách xa mã đứng sau đó là TPB với 2.029 tỷ đồng. Tiếp sau lần lượt là STB với hơn 1.977 tỷ đồng, SHB với gần 1.902 tỷ đồng, TCB với gần 1.896 tỷ đồng...
Một số sự kiện ngành ngân hàng nổi bật trong tuần
4 tổ chức có liên quan đến người nội bộ TPBank và đều thuộc sở hữu của SBIH Investment Vietnam nằm trong Khối đầu tư của SoftBank đã đăng ký mua vào 28,4 triệu cổ phiếu TPB. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 5/10 đến 3/11.
Trước đó, HĐQT TPBank đã ra thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc thông qua phương án tăng vốn đợt 2. Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cổ đông là ngày 11/10.
Mới đây nhất, TPBank cho biết đã hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III và IFRS 9 và sẽ triển khai toàn diện cả hai chuẩn mực quốc tế này ngay từ quý IV năm nay. Theo đó, TPbank sẽ trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên áp dụng đồng thời hai chuẩn mực quản trị rủi ro và báo cáo tài chính trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới.
Sacombank chuẩn bị đấu giá khoản nợ nghìn tỷ của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phương Nghi phát sinh từ năm 2012. Tài sản bảo đảm của khoản nợ này là gần 41 triệu cổ phiếu BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC).
VPBank chốt ngày 8/10 là ngày đăng ký cuối cùng để hưởng quyền nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 80%. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành 1,53 tỷ cổ phiếu phát hành để trả cổ tức với tỷ lệ 62,15% và hơn 440 triệu cổ phiếu phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 17,85%. Nếu hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ gần 25.300 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng.
Trong báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV/2021, 41,6% TCTD kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV không đổi và 17,8% TCTD lo ngại kết quả suy giảm. Tỷ lệ TCTD nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở "mức cao và khá cao" tiếp tục tăng từ 32,1% lên 46,5%.
Trong phiên thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội ngày 29/9, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến tăng lên xấp xỉ 8% và những hệ luỵ của nó có thể kéo dài sang năm 2022.