|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tổng Giám đốc BIDV đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt phương án tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu

16:17 | 07/10/2021
Chia sẻ
Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm kiến nghị Chính phủ xem xét tăng vốn điều lệ cho BIDV và các tổ chức tín dụng Nhà nước thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Tại sự kiện Chủ tịch Quốc hội làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới Doanh nhân Việt Nam, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm đã có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng vốn điều lệ cho BIDV và các tổ chức tín dụng (TCTD) nhà nước. Đặc biệt là thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính cho các TCTD.

Tổng Giám đốc BIDV đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt phương án tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu - Ảnh 1.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV. (Ảnh chụp màn hình sự kiện).

Bên cạnh đó, lãnh đạo ngân hàng cũng đề xuất Chính phủ xem xét chỉnh sửa bổ sung luật giao dịch điện tử năm 2005. Ông Lâm cho biết sau hơn 15 năm thực hiện, tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh hiện đang không áp dụng với một số lĩnh vực như bất động sản, gây khó khăn cho các ngân hàng khi triển khai sản phẩm số hoá, dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử...

Đồng thời ông Lâm cũng kiến nghị luật hoá nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, dự kiến hết hiệu lực vào tháng 8/2022; luật hoá pháp luật về giao dịch đảm bảo do hành lang pháp lý hiện nay chưa đồng bộ, thống nhất, hiệu lực pháp lý chưa cao trong việc liên thông dữ liệu về tài sản đảm bảo.

Tổng Giám đốc BIDV cũng chia sẻ trong bối cảnh dịch COVID-19, ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là những nơi thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với việc thích ứng với điều kiện mới, ngân hàng cũng đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Cụ thể, ngân hàng đã cơ cấu nợ cho 7.379 khách hàng, tổng dư nợ cơ cấu 77.900 tỷ đồng. Đồng thời giảm lãi suất cho vay, kể cả nhu cầu vay mới và dư nợ hiện hữu.

Trong năm 2020, BIDV đã chủ động giảm thu nhập khoảng 6.400 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, giảm trực tiếp lãi suất 3.100 tỷ đồng; thoái lãi dự thu do thực hiện cơ cấu nợ khoảng 2.900 tỷ đồng. 

Dự kiến trong năm 2021, BIDV sẽ hi sinh thu nhập khoảng 7.100 tỷ đồng để giảm lãi suất, phí dịch vụ hỗ trợ khách hàng. 

Tính đến 30/9, ngân hàng cũng thực hiện giảm lãi, phí cho 387.270 khách hàng, tương ứng số tiền lãi giảm là 5.200 tỷ đồng trong 9 tháng. Dư nợ tín dụng trong các chương trình lãi suất triển khai trong năm 2021 là 889.000 tỷ đồng.

Phương Nga