|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng SHB dưới tay bầu Hiển có gì đáng chú ý trước thềm chuyển 'nhà' sang HOSE?

15:08 | 05/10/2021
Chia sẻ
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng SHB sẽ có sự lột xác hoàn toàn mới sau khi chuyển niêm yết sang HOSE bằng những câu chuyện riêng của mình.
Trước thềm chuyển 'nhà' sang HOSE, SHB có gì đáng chú ý? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: SHB).

Hôm nay (5/10) là ngày cuối cùng cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo đó, hơn 1,9 tỷ cổ phiếu của ngân hàng này sẽ được chuyển niêm yết sang Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) và được bắt đầu giao dịch từ ngày 11/10 với biên độ dao động trong ngày đầu tiên là +/-7%.

Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu SHB vẫn đang duy trì sắc xanh khi tăng lên 28.900 đồng/cp, tăng 2,48% so với ngày hôm trước. Trong phiên giao dịch hôm qua (4/10), SHB cũng có diễn biến tích cực trong khi cổ phiếu ngân hàng đồng loạt bị bán tháo, thị giá tăng mạnh 8% nhờ những giao dịch bùng nổ cuối phiên.

Trước thềm chuyển 'nhà' sang HOSE, SHB có gì đáng chú ý? - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu SHB thời gian gần đây. (Ảnh: TradingView).

Khi cổ phiếu ngân hàng không còn được được ưa chuộng như trước, triển vọng trở nên phân hóa, không ít nhà đầu tư kỳ vọng lần "chuyển nhà" này của SHB sẽ là bước khởi đầu cho nhiều "câu chuyện riêng" của nhà băng này sau đó.

SHB vẫn còn nhiều "câu chuyện riêng"

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho SHB được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 7.413 tỷ đồng thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành hơn 202 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 10,5%; đồng thời, chào bán gần 540 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ 28% với giá dự kiến 12.500 đồng/cp, bằng gần 50% thị giá hiện tại.

Nếu cả hai đợt phát hành đều thành công, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng vọt lên gần 26.700 tỷ đồng, tức hơn 40% so với hiện tại.

Không chỉ vậy, trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản chấp thuận SHB tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% nhằm thực hiện phương án chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được thông qua tại ĐHCĐ hồi tháng 4.

Số lượng cổ phiếu chào bán không quá 20% số lượng cổ phiếu đã phát hành của SHB tại thời điểm hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tháng 8 vừa qua, SHB đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan.

Thương vụ này được kỳ vọng sẽ đem về SHB một nguồn vốn lớn. Chia sẻ trên tờ Nikkei Asia, đại diện của Krungsri cho biết ngân hàng này sẽ chi gần 156 triệu USD cho thương vụ, tương đương khoảng hơn 3.600 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. 

Bứt phá về lợi nhuận trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng bình quân 23%/năm

Ngân hàng SHB gắn liền với thương hiệu của ông Đỗ Quang Hiển (tức bầu Hiển) từ năm 2006 với tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái. Năm 2012, SHB gặp khó khăn khi thực hiện sáp nhập với Habubank với tỷ lệ nợ xấu tăng vọt và ảnh hưởng kéo dài nhiều năm sau đó.

Sau một giai đoạn đi ngang, hoạt động kinh doanh của SHB chứng kiến sự khởi sắc trong 5 năm trở lại đây. 

Nếu như năm 2016 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mới đạt 1.156 tỷ đồng thì tới năm 2020, con số này đã lên tới 3.268 tỷ đồng. Trong 5 năm, lợi nhuận của ngân hàng đã tăng gấp gần 3 lần, với tốc độ tăng trưởng trung bình là 23%/năm.

Trước thềm chuyển 'nhà' sang HOSE, SHB có gì đáng chú ý? - Ảnh 2.

(Ảnh: Lê Huy tổng hợp).

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SHB cũng ghi nhận sự cải thiện từ mức 7,5% vào năm 2016 lên mức 12,2% năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm nay, SHB ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 3.095 tỷ đồng, tăng 86,5% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, ROE của ngân hàng tiếp tục tăng lên 15,7%.

Tương tự, tổng tài sản, huy động vốn và tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cũng tăng đều đặn qua các năm với tỷ lệ tăng trưởng trung bình mỗi năm đạt trên hai con số.

Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của SHB đạt 458.877 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm đầu năm và hoàn thành 99,5% kế hoạch đề ra. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 331.491 tỷ đồng, tăng 8,5%, số dư tiền gửi khách hàng 310.865 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,4%. Vốn điều lệ ở mức 19.260 tỷ đồng.

Trước thềm chuyển 'nhà' sang HOSE, SHB có gì đáng chú ý? - Ảnh 3.

(Ảnh: Lê Huy tổng hợp).

Tình hình xử lí nợ xấu của ngân hàng trong giai đoạn này cũng có nhiều chuyển biến trong thời gian qua trong giai đoạn sáp nhập với Habubank. Tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ hơn 2,3% vào năm 2017 xuống còn 1,83% cuối năm 2020.

Tuy nhiên, trong sau 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,02% do tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Lào và Campuchia, ảnh hưởng đến việc phân loại nợ của hai ngân hàng con của SHB tại các quốc gia này.

Phía SHB cho biết ngân hàng đang đề ra mục tiêu sẽ xử lý xong toàn nợ bán cho VAMC và nợ Vinashin ngay trong năm nay.

Trước mắt, trong nửa đầu năm, ngân hàng đã nâng chi phí dự phòng lên lên 2.258 tỷ đồng, tăng 161% so với nửa đầu năm trước, đẩy mạnh công tác xử lý nợ Vinashin và trái phiếu VAMC.

Lê Huy