Công ty của bầu Hiển huy động gần 1.900 tỷ đồng trái phiếu cho dự án hai điện gió
Tháng 8, Công ty TNHH Điện gió Hòa Đông 2 và Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 đã thông báo phát hành lần lượt 1.165 tỷ đồng và 710 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ nhằm phục vụ đầu tư hai dự án cùng tên.
Cụ thể các lô trái phiếu do Điện gió Hòa Đông 2 huy động có kỳ hạn 12 tháng - 132 tháng, với lãi suất 10,75%/năm cho năm đầu tiên, các kỳ thanh toán lãi sau tính theo công thức bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 2,5%/năm.
Còn lô trái phiếu do Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 phát hành có kỳ hạn 12 tháng - 156 tháng. Lãi suất áp dụng tương tự như trái phiếu của Điện gió Hòa Đông 2.
Cả hai đợt trái phiếu của hai công ty nói trên đều được bảo đảm bằng tài sản liên quan đến các dự án cùng tên, được định giá lần lượt là 3.183 tỷ đồng đối với Điện gió Hoà Đông 2 và 1.241 tỷ đồng đối với Điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1. Chứng thư thẩm định được thực hiện bởi Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm Định VASKA.
Kết quả, cả hai đợt huy động trái phiếu đều do một tổ chức tín dụng trong nước mua lại. Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHB).
Đáng chú ý, cả hai dự án Điện gió Hòa Đông 2 và Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 đều thuộc chủ đầu tư là Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển). Hiện bầu Hiển đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị SHS và SHB.
Theo tìm hiểu, Điện gió Hoà Đông 2 là chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió cùng tên với công suất 72 MW tại phường Khánh Hoà, xã Hoà Đông và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Dự án điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1 có công suất 30 MW với vốn đầu tư 1.260 tỷ đồng trên diện tích 285,7 ha tại xã Phước Hữu, tỉnh Ninh Thuận.
Theo số liệu cập nhật từ EVN tính đến hết ngày 3/8, có tổng cộng 106 nhà máy điện gió đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD) với tổng công suất 5655,5 MW. Hai dự án Hòa Đông 2 và Phước Hữu – Duyên Hải 1 cũng có tên trong danh sách đăng ký để kịp chạy COD trước ngày 31/10.
Tuy nhiên tính đến cuối tháng 8, mới có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất là 963 MW vào vận hành thương mại trong tổng 106 dự án đăng ký. Điều này đồng nghĩa số nhà máy còn lại phải đẩy nhanh tốc độ triển khai để kịp phát điện thương mại trước 31/10.
Ngoài hai dự án điện gió của Tập đoàn T&T gấp rút huy động trái phiếu để tăng tốc đầu tư kịp hưởng giá FIT, các dự án điện gió tương tự của nhưng ông lớn khác như Trungnam Group cũng "tranh thủ" huy động vốn dồn lực cho các dự án.