|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp 'nhảy múa' sau mùa kiểm toán

16:38 | 07/09/2021
Chia sẻ
Kết thúc mùa kiểm toán bán niên 2021, nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng lên so với báo cáo tự lập. Tuy nhiên cũng không ít công ty bị "bốc hơi" lợi nhuận, thậm chí có doanh nghiệp còn chuyển từ lãi sang lỗ.
Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp 'nhảy múa' sau mùa kiểm toán - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

Báo cáo tài chính sau soát xét bán niên năm 2021 dần được công bố, trong đó nhiều doanh nghiệp ghi nhận chênh lệch lớn số liệu trước và sau kiểm toán đã trở thành câu chuyện không mấy xa lạ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo thống kê của người viết, nhiều doanh nghiệp có kết quả lợi nhuận sau thuế đã soát xét tăng so với báo cáo tự lập. Tuy nhiên cũng không ít công ty bị "bốc hơi" lợi nhuận, thậm chí có doanh nghiệp còn chuyển từ đang có lãi sang lỗ và nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động.

Nhiều ông lớn Petrolimex, GVR hay ACV cũng lệch số liệu

Việc số liệu sau kiểm toán có sự biến thiên cũng diễn ra đối với báo cáo tài chính của các tập đoàn tên tuổi.

Chẳng hạn, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) đều ghi nhận hao hụt sau kiểm toán, lần lượt giảm 1% về 3.428 tỷ và giảm 12% về 1.200 tỷ đồng.

Chỉ tiêu thay đổi lớn nhất trên bảng kết quả kinh doanh của ACV là chi phí tài chính tăng 139% lên 112 tỷ đồng sau soát xét. 

ACV giải trình do điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào CTCP Dịch vụ Hàng hoá Hàng không Việt Nam vì công ty phát hành cổ phiếu cho người lao động dẫn tới tỷ lệ sở hữu giảm xuống dưới tỷ lệ hợp nhất báo cáo.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp 'nhảy múa' sau mùa kiểm toán - Ảnh 2.

Sân bay Tân Sơn Nhất vắng khách trong mùa dịch COVID-19 bùng phát đợt 4. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 11% lên 612 tỷ đồng so với báo cáo tự lập do bổ sung chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Kết quả, sau soát xét ACV mới chỉ thực hiện được 63% chỉ tiêu lợi nhuận năm thay vì con số 71% như ở báo cáo tự lập.

Ông lớn ngành cao su là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (Mã: GVR) cũng bị hao hụt lợi nhuận, chủ yếu do chi phí tài chính soát xét của tập đoàn tăng 57% so với báo cáo tự lập lên hơn 298 tỷ đồng.

Đáng chú ý, một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây lắp điện, đầu tư năng lượng là CTCP Xây lắp điện I (Mã: PC1) có lãi ròng tăng gần 200 tỷ đồng sau xoát xét, tức tăng 88% so với báo cáo tự lập nhờ khoản lãi do đánh giá lại khoản đầu tư khi chuyển từ công ty liên kết CTCP Khoáng sản Tấn Phát (Tấn Phát) thành công ty con.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp 'nhảy múa' sau mùa kiểm toán - Ảnh 3.

Loạt doanh nghiệp bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Trên báo cáo soát xét của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG), khoản lợi nhuận đã "bốc hơi" gần 55% về 8,3 tỷ đồng. Doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức giải trình rằng, trong quá trình soát xét, công ty kiểm toán E&Y đã đề nghị chỉnh tăng giá vốn và giảm dự phòng khoản phải thu.

Ngoài ra, E&Y cũng đưa ra nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế 7.371 tỷ đồng của HAGL tại ngày 30/6. Đồng thời tại ngày này, HAGL cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay.

CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco - Mã: VOS) dù đã khắc phục được tình trạng thua lỗ khi có lãi 222 tỷ đồng so với lỗ 118 tỷ đồng cùng kỳ, song phía kiểm toán đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động của Vosco. 

Tại ngày 30/6, lỗ lũy kế của Vosco là 699 tỷ đồng. Quy mô nợ phải trả ở mức 2.279 tỷ đồng, cao gấp hơn ba lần so với vốn chủ sở hữu. Trong đó nợ quá hạn là 520 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC - Mã: PVX) đã bị phía kiểm toán từ chối đưa ra kết luận do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để làm cơ sở đưa ra kết luận về báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ. Việc kiểm toán viên từ chối kết luận cũng đã xuất hiện trong các báo cáo tài chính trước của PVC.

Tại ngày 30/6, lỗ lũy kế của PVC là 3.984 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 865 tỷ khiến công ty thiếu hụt vốn lưu động để trả các khoản nợ đến hạn. Do đó kiểm toán nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của công ty.

Ngoài ra, ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động cũng được nêu ra tại báo cáo của CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - Mã: DHB). Việc lỗ hàng nghìn tỷ đồng và các khoản nợ là hệ quả để lại sau dự án mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc được vận hành thương mại từ tháng 12/2015.

Lợi nhuận doanh nghiệp 'nhảy múa' sau mùa kiểm toán - Ảnh 1.

Lỗ ròng của Đạm Hà Bắc giai đoạn 2015 - 2021. (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán hàng năm của doanh nghiệp).

Trong danh sách những công ty chênh lệch lợi nhuận hậu kiểm toán, CTCP Nhựa Đông Á (Mã: DAG) cùng với CTCP Xây dựng số 9 (Vinaconex 9 - Mã: VC9) là hai doanh nghiệp hiếm hoi chuyển từ có lãi sang lỗ.

Cụ thể, khoản lãi 3,6 tỷ đồng trước soát xét của Nhựa Đông Á đã chuyển thành lỗ 4,7 tỷ đồng sau soát xét. Trong đó, doanh thu tài chính tăng 146% so với báo cáo tự lập, tăng 2,4 tỷ đồng lên 4 tỷ đồng do đánh giá lại chênh lệch tỷ giá ngoại tệ. 

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp 'nhảy múa' sau mùa kiểm toán - Ảnh 5.

Sau soát xét bán niên, khoản lãi của Nhựa Đông Á đã bị "bay màu". (Ảnh minh họa: Nhựa Đông Á).

Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 49% so với trước soát xét, từ 5,9 tỷ đồng lên 17,8 tỷ đồng do sau khi đánh giá lại các khoản nợ phải thu, công ty đã trích lập dự phòng nợ phải thu 5,4 tỷ đồng và điều chỉnh tăng khấu hao, trích trước chi phí.

Việc ghi nhận lỗ 6 tháng đầu năm đã khiến Nhựa Đông Á còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm là 28 tỷ đồng.

Trường hợp của Vinaconex 9 - doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp,..., thay vì có lãi 292 triệu đồng, sau kiểm toán, công ty đã lỗ ròng gần 7 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế lên gần 27 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do Vinaconex 9 đã điều chỉnh tăng chi phí giá vốn đối với các dự án xây lắp cho phù hợp theo hướng dẫn của chế độ kế toán hiện hành tại Việt Nam.

Ngoài điều chỉnh sang lỗ, kiểm toán còn đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc công ty chưa ghi nhận đầy đủ giá vốn công trình xây lắp phù hợp với doanh thu các năm trước và kỳ này. 

Nếu Vinaconex 9 ghi nhận đầy đủ thì giá vốn sẽ tăng lên và lãi trước thuế sẽ giảm cùng số tiền 0,54 tỷ đồng. Đồng thời, hàng tồn kho và lãi sau thuế chưa phân phối sẽ giảm đi lần lượt là 111 tỷ đồng và 111,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, kiểm toán còn nêu ý kiến ngoại trừ đối với việc thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với một số khoản nợ quá hạn thanh toán khó có khả năng thu hồi, với số tiền ước tính lần lượt là 6,16 tỷ đồng và 8 tỷ đồng.

Minh Hằng