|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đạm Hà Bắc: Lỗ luỹ kế trên 5.100 tỷ, kiểm toán tiếp tục nghi ngờ khả năng hoạt động

17:27 | 23/08/2021
Chia sẻ
Lỗ luỹ kế trên 5.100 tỷ, vốn lưu động âm là những yếu tố chính khiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Đạm Hà Bắc.

CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Mã: DHB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 đã soát xét với doanh thu thuần tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.867 tỷ đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, công ty lỗ hơn 414 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính các năm của Đạm Hà Bắc, doanh nghiệp này đã ghi nhận lỗ kể từ năm 2015. Số lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6 đã lên tới 5.162 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc chưa gỡ hết rối hợp đồng EPC - Ảnh 1.

Lỗ ròng của Hóa chất Hà Bắc giai đoạn 2015 - 2021. (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán hàng năm của doanh nghiệp).

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Tại ngày 30/6, báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của công ty đang phản ánh tổng nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 5.601 tỷ đồng; lỗ lũy kế 5.162 tỷ đồng lớn hơn vốn chủ sở hữu 2.393 tỷ đồng.

Theo ý kiến kiểm toán, các nội dung này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của Đạm Hà Bắc.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của Đạm Hà Bắc được trình bày trên cơ sở giả định hoạt động liên tục vì ban Tổng Giám đốc tin tưởng rằng công ty có thể cân đối được dòng tiền để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và phục vụ cho hoạt động kinh doanh thông thường của Đạm Hà Bắc.

Đạm Hà Bắc chưa gỡ hết rối hợp đồng EPC - Ảnh 2.

Ảnh: Báo Thanh tra.

Ngoài ra, doanh nghiệp này ghi nhận nguyên giá và trích khấu hao tài sản cố định hình thành từ dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, theo báo cáo quyết toán dự án hoàn thành do chủ đầu tư lập ngày 1/12/2017 chưa được phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Quá trình quyết toán dự án, chủ đầu tư và các nhà thầu chưa thống nhất được giá trị quyết toán các gói thầu số 8, 9, 10, 14 và hợp đồng tư vấn kiểm tra hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng, dẫn đến phát sinh các khoản công nợ liên quan đến nhà thầu nước ngoài và các khoản công nợ khác.

Với các bằng chứng thu thập được và thủ tục thay thế khác, kiểm toán chưa đủ cơ sở để đưa ra tính hiện hữu và đầy đủ các khoản công nợ trên cũng như các khoản nợ tiềm tàng có thể phát sinh trong tương lai liên quan đến việc quyết toán của công ty.

Về phía Đạm Hà Bắc, công ty đã đưa ra giải trình về ý kiến kiểm toán ngoại trừ nêu trên. Theo đó,  về việc thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam về tiến độ quyết toán dự án hoàn thành năm 2017, ngày 1/7/2017, công ty đã hoàn thiện báo cáo quyết toán dự án hoàn thành Dự án cải tạo - mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, trong đó hợp đồng EPC tự quyết toán.

Đạm Hà Bắc cho biết trong thời gian qua, công ty vẫn tiếp tục phối hợp, đôn đốc nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ quyết toán. Tuy nhiên, đến nay hai bên chưa thống nhất một số nội dung vướng mắc nên chưa quyết toán A-B hợp đồng EPC và chưa đủ cơ sở phê duyệt quyết toán dự án cũng như chưa xác nhận được với Nhà thầu các khoản công nợ liên quan.

Sa sút nghiêm trọng sau dự án mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc

Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc chính thức nghiệm thu và đưa vào vận hành thương mại từ tháng 12/2015. Tuy nhiên, nhà máy không chỉ liên tục bị thua lỗ, trong quá trình hoạt động, hệ thống thiết bị của nhà máy đã xảy ra nhiều sự cố, phải ngừng toàn bộ hệ thống, tốn thời gian vận hành và chi phí chạy thử khoảng 10 tỷ đồng/lần.

Mặt khác, gánh nặng lớn nhất của Đạm Hà Bắc là tái cơ cấu các khoản vay. Tính đến ngày 30/6, công ty có tổng nợ vay là 6.640 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng khoản nợ vay cho dự án cải tạo và mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc đã có tổng giá trị lên tới gần 6.500 tỷ đồng.

Cụ thể, hơn 3.485 tỷ đồng được vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo hợp đồng tín dụng ký năm 2008, đáo hạn vào năm 2023. Khoản vay được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay, áp dụng lãi suất cố định 10,78%/năm.

Ngoài ra, công ty cũng đi vay của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank và các ngân hàng đồng tài trợ cho hai hợp đồng tín dụng năm 2010 có tổng trị giá 222 triệu USD, tương đương gần 2.984 tỷ đồng, kỳ hạn đến năm 2031, cũng để tài trợ cho dự án này.

Đạm Hà Bắc chưa gỡ hết rối hợp đồng EPC - Ảnh 3.

Các khoản vay cho dự án Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. (Nguồn: Báo cáo tài chính đã soát xét bán niên của Đạm Hà Bắc).

Tường Vy