|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp phân bón có còn tăng tốc?

19:51 | 16/08/2021
Chia sẻ
Theo VDSC, giá nông sản đối mặt cạnh tranh từ thế giới cùng với mặt bằng giá phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ tạo áp lực lên ngành phân bón. Hai doanh nghiệp đại diện là Đạm Phú Mỹ và Phân bón Bình Điền cũng được đánh giá sẽ có biên lãi gộp bị thu hẹp trong hai quý cuối năm.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo triển vọng cho ngành nông dược nói chung và ngành phân bón riêng khi dự đoán ngành sẽ phải đối diện với nhiều thử thách trong 6 tháng cuối năm.

Giá nông sản đi xuống và yếu tố mùa vụ khiến nhu cầu phân bón ít đi trong nửa cuối năm

Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng trong nửa đầu năm, các chuyên gia dự đoán giá nông sản (điển hình là giá gạo) sẽ giảm đi để cạnh tranh với gạo Ấn Độ khi giá gạo tại nước này sẽ duy trì ở mức thấp nhờ nguồn cung dồi dào. 

Đồng thời, thị trường Philippines - nơi tiêu thụ nhiều nhất gạo xuất khẩu của Việt Nam dự kiến giảm nhập khẩu 14% còn 2,1 triệu tấn nhờ vụ mùa bội thu. Song song đó, quốc gia này đã giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (có áp dụng với Ấn Độ) xuống 35%, bằng mức thuế áp dụng với Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung giá rẻ cũng sẽ khiến giá gạo của Việt Nam giảm đi.

Theo VDSC, giá nông sản đi xuống sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của người nông dân. Từ đó kéo theo mức đầu tư cho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bị tác động tiêu cực. Vì vậy mà các chuyên gia dự đoán doanh số thuốc BVTV như của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) có thể giảm nhẹ trong nửa cuối năm nay. 

Hệ lụy tiếp theo được các chuyên gia đưa ra là tiêu thụ phân bón cũng sẽ không mạnh như nửa đầu năm khi nhu cầu phân bón vụ hè thu thấp (bẳng 1/2 so với nhau cầu của vụ đông xuân). 

Ngoài ra, mặt bằng giá phân bón được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong 6 tháng còn lại sẽ ảnh hưởng một phần đến nhu cầu trong khi giá các loại nông sản lại được dự báo sụt giảm.

fff - Ảnh 1.

Biên lợi nhuận gộp của DPM và BFC có thể bị thu hẹp trong nửa cuối năm  

Trong số các doanh nghiệp ngành phân bón, VDSC chọn ra hai công ty đại diện cho mảng phân đơn (urê, DAP) là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) và CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) đại diện cho nhóm phân đa NPK.

Với DPM, giá bán của urê và hóa chất duy trì ở mức cao là động lực cho lợi nhuận năm 2021 của công ty. VDSC ước tính lãi ròng của DPM sẽ tăng 89% so với cùng kỳ lên 1.311 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này sẽ cao hơn kế hoạch nên dự đoán DPM có thể chia cổ tức tiền mặt cao hơn so với mức 1.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng lợi nhuận nửa cuối 2021 của DPM sẽ giảm so với nửa đầu năm do biên lợi nhuận gộp của urê thấp hơn khi công ty đã hưởng lợi từ lượng urê tồn kho rẻ trong quý II và giá dầu cao hiện tại sẽ tác động đến tỷ suất lợi nhuận gộp của urê từ quý III trở đi. Ngoài ra, DPM không còn đóng góp của các khoản lợi nhuận bất thường.

Về dài hạn, chính sách thuế giá trị gia tăng sẽ là chất xúc tác chính hỗ trợ thu nhập của DPM và có thể đóng góp thêm 300 tỷ đồng vào lợi nhuận hàng năm của công ty trong tương lai.

Doanh nghiệp phân bón sẽ ra sao nửa cuối năm? - Ảnh 3.

Tương tự, biên lợi nhuận gộp của BFC cũng được dự báo sẽ bị thu hẹp từ mức trung bình 11,9% trong trong nửa cuối năm khi cạnh tranh ngành ngày càng gay gắt.

Mặt khác, BFC đã dự trữ nguyên liệu cho 2 - 3 tháng sản xuất trong bối cảnh giá đầu vào tăng và giá bán tăng nhẹ, nhằm giảm tác động lên biên lợi nhuận gộp. Đồng thời các chuyên gia cho rằng BFC có thể kiểm soát tốt các chi phí như chi phí lãi vay, chi phí bán hàng để hỗ trợ một phần lợi nhuận.

Theo ước tính, BFC có thể đạt mức doanh thu khoảng 7.543 tỷ đồng, lãi ròng đạt 188 tỷ đồng cho năm 2021, lần lượt tăng 39% và 41,3% so với năm ngoái.

Về sản lượng bán hàng, dự báo tổng sản lượng NPK tiêu thụ trong năm 2021 của BFC đạt khoảng 704.000 tấn, tăng 21%. Trong khi mức giá bình quân sẽ điều chỉnh tăng 17% lên 10.905 đồng/kg.

Ngoài ra, VDSC cũng tiết lộ BFC có thể chi trả cổ tức bằng tiền mặt 1.500 đồng/cp, cao hơn so với kế hoạch 1.200 đồng/cp cho năm 2021.

Minh Hằng