|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

So găng kho tiền mặt của 15 ông lớn trên thị trường: 'Cash is king' lên ngôi mùa dịch

10:10 | 16/08/2021
Chia sẻ
PV GAS, Vingroup, ACV là những doanh nghiệp có lượng tiền lớn nhất trên thị trường với giá trị trên 31.000 tỷ cuối quý II. Trong đó, ACV tiếp tục giữ vững phong độ "vua tiền mặt".

Trên bảng cân đối kế toán, tiền mặt là một trong những chỉ tiêu đáng lưu tâm bởi chúng có thể giúp doanh nghiệp xử lý tình huống dễ dàng nếu việc kinh doanh không như mong đợi. Lượng tiền mặt dồi dào cũng cho doanh nghiệp nhiều lựa chọn tìm kiếm cơ hội đầu tư hơn trong tương lai.

Tùy vào từng thời điểm kinh doanh và bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp có thể vay vốn tận dụng đòn bẩy tài chính, mở rộng thị trường hoặc có thể tích trữ tiền mặt.

15 doanh nghiệp nhiều tiền mặt nhất thị trường chứng khoán

Dựa trên danh sách hơn 1.000 doanh nghiệp đang niêm yết giao dịch trên ba sàn chứng khoán, người viết đã lọc ra 15 doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất (danh sách không tính tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính).

So găng kho tiền mặt của 15 ông lớn trên thị trường: 'Cash is king' lên ngôi mùa dịch - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp có nhiều tiền mặt nhất thị trường chứng khoán Việt Nam tính tới 30/6/2021. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II của các doanh nghiệp; Đồ họa: Đức Bùi).

Theo đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) là doanh nghiệp đứng đầu danh sách với 33.191 tỷ đồng tiền mặt, chiếm tới gần 60% tổng tài sản, trong đó đa số là tiền gửi ngân hàng.

Thực tế những năm trước đó, ACV luôn duy trì lượng tiền mặt trên dưới 50% tổng tài sản, chỉ tính riêng lãi tiền gửi cũng mang về mỗi năm cho công ty hàng nghìn tỷ đồng.

Mặc dù vậy, ACV có gần 15.600 tỷ đồng nợ vay dài hạn chủ yếu từ nguồn vốn ODA bằng ngoại tệ để đầu tư các dự án quy mô lớn tại nhà ga hành khách quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 Sân bay Nội Bài.

Một doanh nghiệp khác cũng có lượng tiền mặt cao xấp xỉ ACV là Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC) với 33.072 tỷ đồng. Tuy vậy, khoản tiền mặt nói trên chỉ chiếm khoảng 8% tổng tài sản của Vingroup tại ngày 30/6, tỷ trọng thấp hơn rất nhiều so với ACV.

Lượng tiền mặt dồi dào giúp công ty vận hành các mảng kinh doanh, đặc biệt mảng ô tô điện đang là xu hướng thế giới và mảng y tế có tính cấp thiết trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

Ông lớn trong ngành khí là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas - Mã: GAS) có tới 31.598 tỷ đồng tiền mặt, chiếm hơn 42% tổng tài sản. Trong giai đoạn diễn ra dịch COVID-19 kể từ đầu năm 2020 tới nay, lãi sau thuế hàng quý của PV GAS vẫn giữ ở khoảng 2.000 tỷ đồng; lãi sau thuế chưa phân phối tại cuối quý II là hơn 6.100 tỷ đồng.

Ngoài PV Gas, có hai doanh nghiệp khác cùng thuộc lĩnh vực dầu khí nằm trong danh sách trên là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) và CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (Mã: BSR) có trên 17.000 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng.

Những "tay buôn" tiền giỏi trên thị trường

Trên thị trường, các doanh nghiệp cũng tận dụng nguồn tiền mặt sẵn có gửi ngân hàng để hưởng lãi cao trong khi đi vay lại ngân hàng với lãi suất ưu đãi hơn. Trong số 15 doanh nghiệp ở danh sách trên ACV có mức chênh lệch lãi từ tiền gửi và chi phí lãi vay nhiều nhất với 872 tỷ đồng. Trong quý II, công ty có lãi tiền gửi 917 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay chỉ tốn 45,3 tỷ đồng.

Đối với doanh nghiệp bán lẻ như CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) cũng có tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên đến 18.142 tỷ đồng cuối quý II, tăng mạnh so với con số 14.827 tỷ đồng cuối quý I và 15.405 tỷ đồng thời điểm đầu năm nay.

Thực tế, ngay từ khi đại dịch diễn ra vào đầu năm ngoái, MWG đã tăng tích trữ tiền mặt của mình, lượng tiền mặt tăng thêm của MWG một phần đến từ lợi nhuận tiếp tục được giữ vững.

Tính đến 30/6, MWG đi vay tổng cộng 21.095 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn, tăng 2.058 tỷ đồng so với cuối quý I. Trong 6 tháng đầu năm, MWG thu được khoản lãi tiền gửi hơn 443 tỷ đồng từ dòng vốn lưu động, cao hơn 121 tỷ đồng so với chi phí lãi vay. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, MWG phải trả 315 tỷ đồng tiền lãi vay nhưng chỉ thu về 187 tỷ đồng lãi tiền gửi.

So găng kho tiền mặt của 15 ông lớn trên thị trường: 'Cash is king' lên ngôi mùa dịch - Ảnh 2.

Chênh lệch lãi tiền gửi và chi phí lãi vay của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp).

Đối với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (Mã: VEA), doanh nghiệp này chỉ tiêu tốn 1,1 tỷ đồng lãi vay nhưng nhận về 386 tỷ đồng lãi tiền gửi, chênh lệch 385 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của VEAM chủ yếu từ các công ty liên doanh liên kết (phần lớn gồm Honda, Toyota và Ford), trong đó chỉ tính riêng doanh thu 6 tháng đầu năm nay của nhóm này đã tăng 45% lên 2.813 tỷ đồng.

Trái lại, kỷ lục về lãi vay phải kể đến Vingroup với gần 4.915 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tương ứng hơn 27 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày, trong khi đó lãi tiền gửi chỉ đạt 1.061 tỷ đồng. Tổng nợ vay của Vingroup tính tới 30/6 cũng lên tới 126.839 tỷ đồng, chiếm 30% tổng nguồn vốn.

Ngoài Vingroup thì CTCP Vinhomes (Mã: VHM) và CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Mã: MSN) cũng ghi nhận chênh lệch chi phí lãi vay cao hơn so với tiền gửi, lần lượt 452 tỷ và 409 tỷ đồng.

Tường Vy