TS Cấn Văn Lực: Không thể bóp nghẹt cho vay tiêu dùng
Nếu tín dụng chính thức không phát triển thì tín dụng đen sẽ phát triển
Chia sẻ kiến thức về thị trường tài chính tiêu dùng mới đây, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT (Hàm Phó TGĐ) Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, cho hay, cách đây khoảng hơn 1 tháng, Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về kiểm soát cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là cho vay tiêu dùng ngay lập tức cần được kiểm soát chặt chẽ hơn hay làm lành mạnh hơn, hay chuẩn hóa hơn.
Ông cho biết, tiêu dùng cá nhân chiếm đến 66 - 67% GDP, có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, nếu không cho vay thì sẽ bóp nghẹt nền kinh tế.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung để hoàn thiện Chiến lược phát triển tài chính toàn diện. Việc người dân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) không có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn dẫn đến tín dụng đen có điều kiện phát triển.
Theo đó, nếu tín dụng chính thức không phát triển thì tín dụng đen sẽ phát triển, bởi đây là nhu cầu của con người nên không thể kiềm hãm được, ông Lực nhận định.
TS Cấn Văn Lực. (Ảnh: TV). |
“Đừng gọi là tín dụng đen, bởi đen là được hểu là đen tối, là xã hội đen. Phải gọi là tín dụng phi chính thức (không chính thức). Đó là một nhu cầu của xã hội, tất nhiên cái nào “đen” thì luật pháp phải ngăn chặn, quản lý”, ông Lực nói.
60 - 65% tín dụng phi chính thức hiện nay là vay bạn bè, họ hàng, đây là những việc không cấm. Trong khi đó, tín dụng đen lãi suất rất cao, không hợp đồng, vi phạm pháp luật về quan hệ dân sự, theo ông Lực, những điều này cần phải cấm và kiểm soát chặt chẽ.
Ông Lực ước tính sơ bộ tín dụng đen chiếm khoảng 30 - 35% trong tổng tín dụng phi chính thức. Tín dụng phi chính thức chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng cho toàn bộ nền kinh tế. Khoảng 400 - 500 nghìn tỷ đồng là tín dụng đen trong nền kinh tế so với tổng dự nợ nền kinh tế là gần 7 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ tuy không lớn nhưng hệ lụy tín dụng đen kinh khủng, ông Lực nhận định. Chính phủ đã họp yêu cầu giám sát chặt chẽ, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã liên tục yêu cầu chấn chỉnh hoạt động này thời gian qua.
Tín dụng tiêu dùng với tài chính tiêu dùng có gì khác nhau?
Tín dụng tiêu dùng rộng hơn so với tài chính tiêu dùng. Ông Lực giải thích, thế giới dùng câu chữ là tín dụng tiêu dùng phổ biến hơn, bởi trong tín dụng tiêu dùng bao gồm cả ngân hàng thương mại (NHTM), công ty tài chính cho vay tiêu dùng; các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng vi mô cho vay tiêu dùng; quỹ tín dụng nhân dân (khoảng 1.100 quỹ hiện nay) cho vay tiêu dùng; ngân hàng chính sách xã hội chuyên cho vay sinh viên nghèo, đối tượng nghèo (tầm 3 triệu khách hàng) cũng là góp phần cho vay tiêu dùng. Vậy nên, tài chính tiêu dùng chỉ là một phần của tín dụng tiêu dùng.
Từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng Việt Nam bình quân khoảng 20%/năm. Đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt 1,17 triệu tỷ đồng, chiếm 18% dư nợ nền kinh tế (nếu bóc tách phần cho vay này thì thực chất cho vay tiêu dùng Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10 - 12% tổng dư nợ), con số này tthấp hơn nhiều so với khu vực ASEAN-5 là 35%, Mỹ (tính cả cho vay mua nhà, sửa nhà) là 51%, Trung Quốc 21%.
“Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, cần khuyến khích chứ không phải bóp nghẹt, tất nhiên phải có quản lý, Kể cả cho vay hộ gia đình, tỷ lệ vay rất thấp chỉ khoảng 23%, so với Mỹ gần 79%, Trung quốc là 49% GDP (hộ gia đình bên Trung Quốc vay để tiêu dùng) – số liệu năm 2017. Rõ ràng đây là chúng ta có rất nhiều tiềm năng phát triển”.
Tín dụng tiêu dùng từ hệ thống NHTM chiếm khoảng 88%, công ty tài chính 7,6%, ngân hàng nước ngoài 4,3% (chưa tính tài chính vi mô khác và kênh không chính chức).
“Tại sao ngân hàng thương mại chiếm lớn như vậy, đó là vì một phần chúng ta chưa bóc tách rõ tín dụng tiêu dùng bao gồm cả cho vay mua nhà, sửa nhà trong đó. Chính phủ muốn bóc tách giữa cho vay bất động sản và cho vay tiêu dùng, không đánh đồng bởi hai cái đó khác nhau. Một đằng là đầu tư, một đằng là tiêu dùng, việc này nhằm để lành mạnh hóa thị trường, hệ thống ngân hàng, công ty tài chính cũng muốn như vậy để trở nên minh bạch và như thế thị trường sẽ lành mạnh hơn”, ông Lực thông tin thêm.
Tiềm năng để Việt Nam phát triển tín dụng tiêu dùng
Theo ông Lực, tín dụng tiêu dùng có vai trò cho cả nền kinh tế, góp phần tăng trưởng GDP, phát triển thị trường tài chính; giảm tệ nạn tín dụng đen và các hệ lụy xã hội đi kèm. Đối với doanh nghiệp, nhất là SME, đáp ứng nhu cầu vốn và phát triển sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp; tăng hiệu quả sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng.
Đối với các định chế tài chính, tín dụng tiêu dùng được xem là nghiệp vụ chiếm thị phần lớn, đem lại lợi nhuận lớn bên cạnh việc đa dạng sản phẩm dịch vụ và nguồn thu.
Ngoài ra, đối với dân cư, đặc biệt là người trẻ và người thu nhập thấp đáp ứng được nhu cầu cá nân và hộ giá đình trong tiêu dùng; tạo động lực để làm việc, tiết kiệm, nuôi dưỡng con cái.
Tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh ở các nước phát triển. Phổ biến và đa dạng hình thức kết hợp giữa ngân hàng thương mại, công ty tài chính… với các doanh nghiệp nhằm bán sản phẩm, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ, bán thiết bị vật tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản…
Việt Nam có được dân số trẻ (dân số vàng đến năm 2025), với 67% dân số từ 15-74 tuổi đến năm 2030. Tầng lớp trung lưu tăng nhanh, văn hóa tiêu dùng cũng thay đổi, thị trường mục tiêu ước khoảng 30 – 35 triệu người.
Yếu tố quan trọng khác là thu nhập bình quân tăng nhanh, tỷ lệ tiêu dùng cá nhân/GDP của Việt Nam ở mức cao với 67%, trong khi Thái Lan là 52%, Malaysia 54%, Indonesia 57%.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận dịch vụ tài chính còn hạn chế, tỷ lệ người lớn có tài khoản ngân hàng ở mức thấp khoảng 40% năm 2017, mật độ chi nhánh NHTM/đầu người thấp so với khu vực, tỷ lệ người lớn có thẻ tín dụng cũng thấp khoảng 4%. Ngoài ra, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP thấp với khoảng hơn 2% (Thái Lan là 5,23%; Hàn Quốc 12,5%; Malaysia 4,16%...), dịch vụ tài chính số dự báo sẽ phát triển nhanh.
Xem thêm |