TS. Cấn Văn Lực: Bất động sản đã hồi phục được 20 - 30% so với thời kỳ hoàng kim
Sau giai đoạn trầm lắng, thanh khoản nhỏ giọt, thị trường bất động sản đã bắt đầu có ít giao dịch trở lại từ tháng 5, tập trung chủ yếu ở loại hình nhà ở thực. Tính đến nay, phần lớn nhà đầu tư, đầu cơ và cả người mua nhà để ở đều giữ tâm lý chờ đợi thêm.
Phía chủ đầu tư, nhà phát triển cũng thận trọng quan sát, chờ thị trường có nhịp điều chỉnh thích hợp để ra hàng. Một số ít dự án chung cư đang được bán ra thị trường với số lượng nhỏ và được tư vấn riêng lẻ cho khách hàng, thay vì tổ chức mở bán đại trà quy mô lớn như giai đoạn trước.
- TIN LIÊN QUAN
-
6 thách thức của thị trường bất động sản 2023 - 2024 28/09/2023 - 12:01
-
Chủ tịch Nam Long: Khó khăn 2022-2023 chưa dừng lại, còn tiếp diễn đến 2024 và 2025 22/04/2023 - 18:03
-
Tổng Giám đốc TTC Land: Tạm chấp nhận có buồn bã, thất vọng trong năm 2023 để bước đi vững vàng từ 2024 25/04/2023 - 13:33
Theo quan sát và dự báo của giới chuyên gia, thị trường bất động sản sẽ sáng lên sau khi nền tảng từ các yếu tố vĩ mô tăng trưởng trở lại từ cuối năm nay. Việc nhận định về thị trường bất động sản phải theo từng phân khúc, mỗi phân khúc sẽ có những chuyển biến khác nhau.
Chia sẻ tại tọa đàm diễn ra hôm 28/9, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đánh giá thị trường bất động sản đã và đang hồi phục, hiện đã hồi phục được 20 - 30% so với thời kỳ hoàng kim.
“Cú hích lớn sẽ bắt đầu từ đầu quý I/2024 dựa trên những yếu tố: Lãi suất đã và đang giảm; độ ngấm của chính sách tại thời điểm đó sẽ tốt hơn; những vụ việc vi phạm pháp luật, pháp lý trong năm nay về cơ bản sẽ được xử lý; tình hình phục hồi kinh tế, vĩ mô của Việt Nam, và thế giới sẽ rõ nét hơn”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Nhiều chuyên gia đồng quan điểm thị trường bất động sản đang đứng trước cơ hội nhiều hơn thách thức. Theo PGS. TS. Trần Kim Chung, khó khăn lớn nhất đã đi qua và cơ hội lớn nhất là chúng ta đang hoàn thiện các quy hoạch và pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, kết quả tốt lên như thế nào phụ thuộc rất lớn vào tháng 11 tới đây, khi các luật quan trọng liên quan đến bất động sản như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… sẽ được sửa đổi và thông qua. Thời điểm thị trường phục hồi phải dựa trên các cơ sở: Chính phủ điều hành như thế nào, nguồn tiền được khơi thông ra sao…
Động lực để thị trường bất động sản phục hồi
Ở giai đoạn hiện nay, thị trường bất động sản có ba động lực cơ bản để phục hồi. Thứ nhất, chính sách điều tiết Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ban ngành đã và đang tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp.
Những khó khăn không thể xử lý ngày một ngày hai nên phải đến quý IV năm sau mới phục hồi rõ nét.
Thứ hai, thị trường bất động sản tiếp tục quá trình tái cấu trúc các phân khúc, đặc biệt với nhà ở cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng… Các chủ đầu tư đang cân nhắc tập trung nguồn lực vào các dự án khả thi để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, thúc đẩy dòng tiền quay trở lại.
Cuối cùng, Chính phủ xây dựng đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ năm nay, qua đó đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường, đổi mới hoạt động, tăng cường năng lực của thị trường một cách nhanh nhất.
Theo nhận xét của chuyên gia, “quá trình tái cấu trúc đang tạo ra sự thay đổi về nhu cầu của người mua nhà và thị trường. Sự thay đổi tương đối rõ rệt chỉ xảy ra vào cuối quý I và đầu quý II/2024 khi lượng nhà ở xã hội được bán ra thị trường nhiều hơn”.
Riêng GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ bản thân ông không dám trả lời về thời điểm thị trường bất động sản phục hồi vì điều này phụ thuộc vào tiến độ cải tiến pháp luật.
“Nếu phục hồi nhưng vướng mắc của pháp luật chưa được giải quyết thì chu kỳ mới sẽ duy trì được bao lâu? Và nếu thị trường lại đi xuống, tính ì của thị trường sẽ kéo dài, khi đó muốn kéo lên cũng sẽ rất khó”, chuyên gia đặt vấn đề.