|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ tịch Nam Long: Khó khăn 2022-2023 chưa dừng lại, còn tiếp diễn đến 2024 và 2025

18:03 | 22/04/2023
Chia sẻ
Nhận định về bối cảnh hiện tại, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long, đánh giá có ba rủi ro lớn nhất và dự đoán tình hình sắp tới còn khó khăn hơn nữa.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào sáng ngày 22/4, lãnh đạoCTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) nhìn nhận 2022 là một năm đầy thách thức của ngành bất động sản, khó khăn hơn cả giai đoạn khủng hoảng 2008-2012.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long, đánh giá khó khăn 2022-2023 chưa dừng lại, còn tiếp diễn khó khăn đến 2024 và 2025, những khủng hoảng trái phiếu vẫn còn đó.

"Chúng tôi nhìn nhận đến ba rủi ro lớn: Rủi ro về thị trường và sản phẩm; rủi ro về tài chính và rủi ro về pháp lý.

Đối với rủi ro về thị trường và sản phẩm, nền kinh tế hiện nay rất khó khăn, tăng trưởng GDP thấp, xuất khẩu giảm, các đơn hàng gia công giảm, sản xuất giảm, lương giảm, giảm nhân sự. Đây là thực tế xảy ra từ cuối năm 2022 và đang tiếp diễn ở năm 2023.

Thị trường bất động sản đang lệch pha cung - cầu, khủng hoảng niềm tin, sức mua giảm. Một điểm khác biệt chúng ta có thể nhìn thấy là sự kiện mở bán với hàng nghìn người mua giai đoạn 2020-2021 đến nay không còn.

 

Khó khăn của kinh tế thị trường hiện nay có khó khăn bất động sản. Trong thị trường bất động sản, khó khăn đầu tiên là vấn đề pháp lý. Trong khó khăn của pháp lý nổi bật nhất là tính tiền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long

Về rủi ro về tài chính, doanh nghiệp mất thanh khoản, kênh huy động vốn bị thắt chặt, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn trong 2023-2024. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay mua nhà vẫn ở ngưỡng cao, mặc dù Chính phủ đang nỗ lực giảm lãi suất nhưng việc này cần có thời gian.

Rủi ro pháp lý dự án có nhiều khó khăn trong công tác tính tiền sử dụng đất, thủ tục đầu tư như chấp thuận đầu tư, gia hạn đầu tư, chuyển nhượng dự án,…", Chủ tịch Nam Long phân tích.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, dân số trẻ, quá trình đô thị hóa rất nhanh, do đó nhu cầu ở thực rất cao.

Gần đây nhất, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm ổn định, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững. "Tôi cho rằng đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 1 (2021-2030) là điểm khởi đầu cho những chương trình lớn hơn", Chủ tịch Nam Long nói.

"Nhiều chính sách khác ra đời đã giải quyết được phần nào các vấn đề tồn đọng trong ngắn hạn như Nghị định 65, Nghị định 08 chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm vay nợ ở lĩnh vực bất động sản nhà ở; gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội bắt đầu giải ngân; lãi suất có xu hướng điều chỉnh giảm,...

Về công tác pháp lý, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường, dự án; có công văn 178 về việc để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững; có rất nhiều cuộc họp của Chính phủ, các Bộ và TP HCM tháo gỡ khó khăn này", Chủ tịch Nam Long dẫn chứng về những nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ngành thời gian qua và lưu ý thêm "tất nhiên những vướng mắc từ năm 2017 đến bây giờ không thể giải quyết trong một sớm một chiều".

"Xuyên thủng thị trường với dòng sản phẩm affordable housing"

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long, chia sẻ tạiĐHĐCĐ thường niên 2023 sáng ngày 22/4. (Ảnh: Nam Long).

Từ hoàn cảnh nói trên, Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang cho biết HĐQT định hướng Nam Long "phải xuyên thủng thị trường với dòng sản phẩm 'affordable housing' (nhà ở vừa túi tiền). Đây đúng là sở trường của Nam Long, chúng ta đã chuẩn bị từ những thập niên 90 với dòng sản phẩm Ehome, EhomeS, Flora, Valora đều hướng đến người có nhu cầu ở thực".

Cụ thể, Nam Long sẽ ưu tiên phát triển những dự án có sản phẩm sẵn sàng, phù hợp với thị trường và phù hợp với năng lực thanh toán của người mua nhà. Đồng thời, Nam Long xây dựng chính sách hỗ trợ cho người mua nhà bằng cách giãn tiến độ thanh toán, hỗ trợ lãi suất. Hiện nay, Nam Long đang hỗ trợ khách hàng mức lãi suất 6%, áp dụng cho các dự án của doanh nghiệp.

 

Bây giờ nếu bỏ tiền vào không đúng nơi, không đúng chỗ sẽ tồn kho, kéo theo doanh nghiệp mất thanh khoản.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Nam Long

Nam Long sẽ ưu tiên mở rộng quỹ đất cho sản phẩm nhà ở vừa túi tiền trong những năm tiếp theo. Theo chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang, các đối tác từ Hankyu, đến Keppel Land, IFC đều ủng hộ Nam Long phát triển dòng sản phẩm "affordable housing".

Đối với vấn đề tài chính, trước hết Nam Long sẽ tập trung dòng tiền cho công tác phát triển dự án “affordable”.Thứ hai, Nam Long ưu tiên cho công tác chuẩn bị (thiết kế, pháp lý,…) để sẵn sàng cho những năm sau, đến khi thị trường phục hồi thì Nam Long có thể phát triển nhanh.

Thứ ba, Nam Long sẽ đa dạng hóa nguồn vốn, xây dựng cấu trúc phù hợp và tiếp cận nguồn vốn tốt. Từ những năm 2007-2008, chiến lược của Nam Long là hợp tác với các đối tác nước ngoài để sử dụng dòng tài chính quốc tế, năng lực quốc tế.

"Rất nhiều đối tác đã đồng hành với Nam Long hơn 20 năm qua trong việc phát triển đô thị. Chúng ta rất trân trọng, cam kết đồng hành lâu dài, cùng thành công ở thị trường Việt Nam.

Tôi cho rằng chiến lược mà Nam Long kiên định cho đến ngày hôm nay đã phát huy tác dụng. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến lược này cho năm nay và những năm kế tiếp.

Quan điểm của Nam Long 1 người bạn cũ hơn 2 người bạn mới. Người bạn cũ đã cùng mình trải qua thử thách, khó khăn đến thành công thì mình hoàn toàn tin cậy để đồng hành ở giai đoạn tiếp theo", Chủ tịch Nam Long khẳng định.

Với những dự báo khó khăn về thị trường hiện nay, khi các chỉ số tăng trưởng trên thế giới đều giảm, riêng Việt Nam ngay đầu năm GDP đã giảm, Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang đánh giá tình hình sắp tới còn khó khăn nữa. Do đó, ban điều hành Nam Long đưa ra kế hoạch khả thi nhất, tăng 11% về doanh thu và tăng 5% về lợi nhuận so với kết quả kinh doanh 2022. Doanh số bán hàng dự kiến xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.

Trong năm nay, Nam Long sẽ nghiên cứu tái cơ cấu sản phẩm phù hợp với thị trường hiện tại, ưu tiên phát triển các sản phẩm dẫn đầu phân khúc nhà ở vừa túi tiền có thị trường bền vững như Ehome (1-1,5 tỷ đồng/căn), Flora (1,5-3 tỷ đồng/căn), Valora (3-5 tỷ đồng/căn),...

Đồng thời, doanh nghiệp sẽ khảo sát thị trường, tập trung triển khai các khu đô thị lớn đã sẵn sàng phát triển như Southgate (Waterpoint giai đoạn 1), Mizuki, Izumi City, Akari, Nam Long - Cần Thơ, Nam Long Đại Phước,… với mục tiêu tổng doanh số đạt 2 tỷ USD trong 3 năm tới.

Nguyên Ngọc