|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ tịch Phát Đạt nói về biến động dữ dội của thị trường bất động sản, sẽ tập trung vào dự án có khả năng được hấp thụ nhanh từ năm 2023

07:07 | 21/04/2023
Chia sẻ
Theo kế hoạch 2023, Phát Đạt sẽ triển khai hơn 13.000 sản phẩm tại các thị trường đang có nhu cầu lớn như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định và Đà Nẵng… Các dự án này kỳ vọng đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng.

Tại báo cáo thường niên 2022 vừa được công bố, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (: PDR), đã gửi gắm thông điệp đến cổ đông, khách hàng và đối tác.

Theo chia sẻ của Chủ tich Phát Đạt, “hầu hết chúng ta đều vừa trải qua khoảng thời gian đầy áp lực. Có thể nói, ngành bất động sản Việt Nam đã rơi vào bối cảnh thách thức nhất trong hơn một thập kỷ qua. Chưa kể suốt hai năm trước đó, nền kinh tế - xã hội nói chung đã liên tếp bị đình trệ dưới những tác động mang tính lịch sử của đại dịch COVID-19.

Cũng như đại đa số doanh nghiệp bất động sản, Phát Đạt đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những chấn động dữ dội ấy. Diễn biến chóng vánh và phức tạp của thị trường chung đã đặt doanh nghiệp trước nhiều bài toán mới, rất nan giải và gấp rút. Những kịch bản ứng phó rủi ro hay kế hoạch dự phòng đã được xây dựng trước đó đều gần như bị vô hiệu hóa.

Cũng theo thông tin từ Chủ tịch Phát Đạt, “trước quý IV/2022, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra rất suôn sẻ với nhiều triển vọng. Khi thị trường thay đổi nhanh chóng, doanh nghiệp bị đặt trước một khúc quanh đầy khó khăn trên hành trình tăng tốc.

Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng biến động là một phần tất yếu của môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp dù có chuẩn bị kỹ càng và dày dạn kinh nghiệm đến đâu cũng phải luôn đối diện với nhiều biến số ngoài phạm vi kiểm soát và quản lý”.

 

Trong bối cảnh thị trường vô cùng chật vật như đã và đang có, Phát Đạt hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều không thể có lựa chọn toàn diện. Chắc chắn sẽ phải có những đánh đổi, trì hoãn, thậm chí là mất mát.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt

Tập trung vào mục tiêu đảm bảo thanh khoản của doanh nghiệp, Phát Đạt đã tiến hành tái cơ cấu một số khoản đầu tư trong năm 2022 như chuyển nhượng thành công dự án Astral City (nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 13, Bình Dương) và đem về 3.340 tỷ đồng; chuyển nhượng công ty sở hữu dự án 197 Điện Biên Phủ (phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM).

Trong cuối quý IV, Phát Đạt đã liên tục mua lại nhiều lô trái phiếu trước thời hạn và tất toán các khoản vay đến hạn. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ vay của Phát Đạt còn khoảng 4.440 tỷ đồng (so với khoảng 5.265 tỷ đồng vào cuối quý III), trong đó có khoảng 2.510 tỷ đồng là trái phiếu.

Tập trung vào dự án có khả năng được thị trường hấp thụ nhanh

Sau khi sắp xếp lại danh mục đầu tư, HĐQT Phát Đạt cho biết doanh nghiệp sẽ tập trung cho các dự án có khả năng được thị trường hấp thụ nhanh như Cadia Quy Nhơn (Bình Định). Đây là tổ hợp thương mại - dịch vụ - khách sạn và căn hộ du lịch biển 4 sao, có quy mô hơn 5.000 m2, bao gồm 250 phòng condotel và 590 phòng second home. Tổng mức đầu tư cho hạng mục condotel khoảng 1.275 tỷ đồng, còn hạng mục hotel đang được lập kế hoạch. Dự án đã được khởi công vào năm ngoái và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025.

Theo kế hoạch 2023, Phát Đạt sẽ triển khai hơn 13.000 sản phẩm tại các thị trường đang có nhu cầu lớn như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định và Đà Nẵng… Các dự án này kỳ vọng đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng.

Từ năm ngoái, Phát Đạt đã đẩy mạnh hoạt động của công ty thành viên là CTCP Kinh doanh và Dịch vụ Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt Realty). Đơn vị này sẽ phát triển, tiếp thị và phân phối sản phẩm bất động sản từ các dự án do Phát Đạt phát triển, thực hiện chiến lược bán lẻ của công ty thay cho mô hình bán sỉ trước đây.

Tính đến hiện tại, Phát Đạt chưa công bố các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2023 cụ thể. Trong ba tháng đầu năm nay, doanh nghiệp đạt hơn 192 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 69,3% và lãi ròng trên 24 tỷ đồng, giảm 91,5% so với cùng kỳ.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Phát Đạt ghi nhận hơn 930 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu giảm hơn 800 tỷ đồng (cùng kỳ dòng tiền kinh doanh âm 994 tỷ đồng). Đồng thời, doanh nghiệp đã trả hơn 1.000 tỷ đồng nợ gốc và gần 154 tỷ đồng tiền lãi vay trong quý đầu năm.

 

 Danh mục dự án đã và đang triển khai của Phát Đạt. (Nguồn: Phát Đạt).

Nguyên Ngọc

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.