|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

486 dự án bất động sản đã được gỡ vướng

08:15 | 29/09/2023
Chia sẻ
Đây là thông tin do ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, vừa công bố mới đây.

Vướng mắc pháp lý là vấn đề tắc nghẽn lớn nhất của thị trường bất động sản trong suốt nhiều năm qua, dẫn đến nguồn cung dự án trên thị trường, đặc biệt là TP HCM gần như khan hiếm. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) từng chỉ ra, trên 50% vướng mắc của các dự án bất động sản liên quan đến pháp luật về đất đai.

Tham luận tại diễn đàn hôm 28/6, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết dự án bất động sản tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện và có đến khoảng 70% dự án dừng thi công tại một số địa phương lớn.

Vướng mắc chủ yếu về phát triển nhà ở xã hội, quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, đấu giá đất, quy hoạch chi tiết không phù hợp với quy hoạch chung, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chung...

 (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Liên quan đến pháp luật về đầu tư cũng phát sinh nhiều khó khăn trong việc thẩm định, chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án; việc không cho phép chấp thuận chủ trương đồng thời lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại khi nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất khác nhưng không phải đất ở...

Về pháp luật về nhà ở, đô thị, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ cũng có nhiều vấn đề như chưa có những ưu đãi trong việc lựa chọn chủ đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội, điều kiện mua nhà ở xã hội như cư trú, thu nhập… vẫn còn nhiều rắc rối.

Từ cuối năm ngoái, từ trung ương đến địa phương đã thành lập Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, đến nay cả nước có 486 dự án bất động sản đã được gỡ vướng. Trong đó, TP HCM giải quyết được 67/180 dự án, Hà Nội giải quyết được 419/712 dự án và đang tiếp tục giải quyết 293 dự án. Các địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Về đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, đến nay đã hoàn thành 41 dự án với quy mô 19.516 căn, đang tiếp tục triển khai 294 dự án với quy mô 288.499 căn. Đối với gói giải ngân 120.000 tỷ đồng, UBND cấp tỉnh đang xem xét công bố 40 dự án với tổng nhu cầu vay khoảng 18.000 tỷ đồng. Tính đến hiện tại, đã có 11 UBND tỉnh công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn khoảng 12.000 tỷ đồng, quyết định có được vay hay không sẽ cần ngân hàng xem xét thêm.

Ngọc Anh