Doanh nghiệp báo tin vui sau ba hội nghị về bất động sản
"Rất khó khăn" là cụm từ được sử dụng với tần suất dày đặc để nói về thị trường bất động sản và các chủ thể tham gia thị trường trong suốt nửa cuối năm ngoái đến nay.
Cũng kể từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ đã vào cuộc tháo gỡ và có nhiều chỉ đạo đáng chú ý. Trong đó phải kể đến 2 Hội nghị trực tuyến được tổ chức vào sáng ngày 17/2 và mới đây nhất là chiều ngày 3/8. Bên cạnh đó, một Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức vào sáng ngày 8/2. Như vậy, riêng với lĩnh vực này, tính đến nay đã có ba Hội nghị được tổ chức.
Vấn đề đang được quan tâm nhất là kết quả tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và dự án ra sao, chính sách đã thẩm thấu tới thị trường?
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nhờ các giải pháp đồng bộ, việc triển khai Nghị quyết 33 đã bước đầu đi vào cuộc sống, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực, tình hình thị trường cải thiện, quý II nhìn chung ít khó khăn hơn quý I và có tín hiệu sẽ tích cực hơn nữa thời gian tới.
Về hoạt động của Tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng thông tin, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương, tiếp nhận, xem xét, xử lý 112 văn bản liên quan đến 174 dự án bất động sản, với nhiều nội dung kiến nghị về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án,…
Riêng tại TP HCM, Tổ công tác đã làm việc, để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 180 dự án nhà ở, khu đô thị về một số nội dung.
Đơn cử như 10 nội dung về nhà ở xã hội; 10 nội dung về cải tạo chung cư cũ; 4 nội dung về quy hoạch; 04 nội dung liên quan đến đầu tư, hộ khẩu và 2 nội dung về đất đai. Qua đó xác định các vướng mắc chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng. Sau khi Tổ công tác, Bộ Xây dựng trao đổi, hướng dẫn, cơ bản các khó khăn, vướng mắc đã được làm rõ, giải quyết căn bản.
Ngoài ra, Tổ công tác nhận được 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp và người dân. Tổ công tác đã có 37 văn bản gửi UBND TP HCM và Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết về Tổ công tác. Hiện UBND TP đang triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành.
Theo thông tin của Sở Xây dựng, đến nay TP HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu). Tong đó có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác; có 39 dự án qua rà soát của địa phương.
Tại TP Hà Nội, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị về các nội dung như: triển khai thực hiện dự án nhà ở, khu đô thị, chính sách nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất các dự án,...Qua đó xác định các vướng mắc chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng.
Theo thông tin của Sở Xây dựng, đến nay TP Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu), hiện Thành phố đang tiếp tục giải quyết cho 293 dự án.
Tổ công tác đã trực tiếp đã làm việc trực tiếp để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với 07 dự án bất động sản lớn trong đó có các dự án của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh,... xác định các vấn đề vướng mắc về quy hoạch đô thị và xây dựng (không thống nhất giữa 3 cấp độ quy hoạch) thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai, qua đó đã giải đáp, hướng dẫn UBND tỉnh và các Sở địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Hiện tại, UBND tỉnh Đồng Nai đang tích cực thực hiện các công việc liên quan đến việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Biên Hòa và việc bố trí nhà ở xã hội tại các dự án theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Văn bản số 3967/VPCP-CN ngày 31/5/2023 của Văn phòng Chính phủ.
Tại Đồng Nai, Tổ công tác nhận được 6 văn bản của 3 doanh nghiệp, 1 người dân và 2 văn bản của UBND tỉnh kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tổ công tác đã có 6 văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết về Tổ công tác.
Hiện Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đang triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án theo hướng dẫn của Tổ công tác, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành.
Tại Bình Thuận, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án Novaworld Phan Thiết - Dự án Tổ hợp khu du lịch Thung lũng Đại Dương tại tỉnh Bình Thuận của Tập đoàn Novaland, Tổ công tác đã tổ chức cuộc làm việc tại Bộ Xây dựng đối với UBND tỉnh Bình Thuận và chủ đầu tư dự án để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc và trao đổi, giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Tổ công tác nhận được 4 văn bản của 2 doanh nghiệp, người dân và UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Tổ công tác đã có 3 văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết về Tổ công tác.
Hiện UBND tỉnh Bình Thuận đang triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án theo hướng dẫn,...
Doanh nghiệp phấn khởi về Nghị quyết 33
Tại Hội nghị trực tuyến chiều qua (3/8), ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland) gửi lời cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu và chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, kể từ sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững ngày 17/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 và nhiều thông tư, nghị định, công điện hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc khó khăn.
"Nghị quyết 33 của Chính phủ ban hành ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững là một quyết sách chiến lược, kịp thời, thể hiện sự điều hành sáng suốt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một Chính phủ năng động vì dân.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp bị bào mòn do dịch bệnh, do lạm phát, do bất ổn toàn cầu, Nghị quyết 33 của Chính phủ ban hành như một nguồn oxy quý báu đúng thời điểm, giúp cộng đồng doanh nghiệp không rơi vào bất ổn, kịp thời ngăn chặn nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính, đến đà phát triển của quốc gia, đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và an sinh xã hội", Chủ tịch Novaland nói.
Theo cập nhật của đại diện Novaland, đến nay các dự án của doanh nghiệp cơ bản đã có hướng giải quyết cụ thể và đang trong tiến trình tháo gỡ. Các dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu hầu hết đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt giải quyết. Các dự án tại TP HCM, Đồng Nai, Bình thuận đã được Tổ Công tác và các bộ ban ngành tận tình hướng dẫn và địa phương đang tập trung tháo gỡ.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết Nghị quyết 33 của Chính phủ đã đi vào thực tế, doanh nghiệp rất cảm ơn Thủ tướng và Tổ công tác đã có những chương trình giúp doanh nghiệp trong thời gian khó khăn vừa qua.
Tương tự, Chủ tịch HĐQT Sun Group Đặng Minh Trường đánh giá, sự ra đời của Nghị quyết số 33/NQ-CP thực sự cần thiết và đã đi vào cuộc sống.
Doanh nghiệp đánh giá cao Nghị định số 10/2023/NĐ-CP và số 35/2023/NĐ-CP. Nghị định số 10/2023/NĐ-CP đã tháo gỡ được rất nhiều pháp lý liên quan đến các công trình xây dựng gắn với đất sử dụng vào mục đích thương mại, cụ thể ở đây là các condotel, biệt thự nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, Nghị định số 35/NĐ-CP bổ sung một số điều thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng đã tăng cường phân cấp thẩm quyền cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thẩm định báo cáo khả thi, quyền thẩm định thiết kế xây dựng,… Do đó rút ngắn rất nhiều các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Đối với doanh nghiệp Sun Group, ông Trường cho biết, tập đoàn này tập trung vào lĩnh vực bất động sản du lịch. Theo đó, có 2 chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có tác động rất tích cực.
Thứ nhất là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mới được thông qua, ngày 15/8 mới có hiệu lực.
Thứ hai là việc khởi công, khánh thành một loạt hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng du lịch. Điều này tạo lực đẩy, thúc đẩy phát triển bất động sản, các ngành dịch vụ, thương mại.
"Vừa rồi tôi đến Phan Thiết, hầu như các khách sạn, nhà hàng kín chỗ vào những dịp cuối tuần. Đấy là tín hiệu rất vui cho bất động sản du lịch và du lịch nói chung", vị này nói.
Chủ tịch CTCP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp đánh giá, các doanh nghiệp bất động sản đều thấy rõ tác động to lớn của các biện pháp đồng bộ quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, từ việc giãn nợ trái phiếu, tháo gỡ thể chế, nguồn vốn, định giá , quy hoạch, lãi suất ngân hàng,… Tiêu biểu là các vấn đề đưa ra trong Nghị quyết 33.
Vị này cho rằng tác động cụ thể của các chính sách, biện pháp đó đã giúp thị trường bất động sản bớt ảm đạm hơn. Nhiều chủ đầu tư đã có tín hiệu phục hồi, mặc dù số doanh nghiệp bất động sản phải giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Điều quan trọng là việc triển khai Nghị quyết 33 đã cởi bỏ được tâm lý e ngại, mất niềm tin của thị trường.
Đối với Toàn Cầu GP.Invest, ông Hiệp thông tin, những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của Thủ tướng đã có những tác động cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến những chuyển biến tích cực của dự án Palm Manor ở Việt Trì, Phú Thọ.
Cụ thể, dự án này được khởi động cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013 với quy mô 58 ha nhưng những vướng mắc về giải phóng mặt bằng kéo dài trong nhiều năm khiến dự án mới triển khai được một phần nhỏ.
Tuy nhiên, từ tháng 5/2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cùng với Nghị quyết 33, đến ngày 4/6 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ đã quyết liệt thông báo các biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ dự án theo đúng quy định của pháp luật, giao đất từng phần để chủ đầu tư chủ động hơn trong tổ chức thi công.
Đặc biệt, tỉnh đã có yêu cầu cụ thể với Sở Tư pháp để thống nhất biện pháp giải quyết việc đền bù cho các hộ sử dụng đất nhưng chủ đứng tên sử dụng đất đã mất.
"Những quyết định cụ thể, xử lý dứt khoát của các cơ quan địa phương đã tạo đà cho dự án Palm Manor Việt Trì chuyển động tích cực và khả năng đầu năm 2024 sẽ có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Không riêng dự án ở Phú Thọ mà các dự án của GP.Invest ở Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương,… cũng đều có sự chuyển động tích cực do cách làm dứt khoát, rõ ràng của các cấp chính quyền", ông Hiệp cho hay.