|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TS. Cấn Văn Lực: Có thể nói thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn, 30-50% khó khăn pháp lý được tháo gỡ

10:08 | 04/08/2023
Chia sẻ
Theo TS. Cấn Văn Lực, tùy từng địa phương đâu đó khoảng 30-50% khó khăn về pháp lý đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng cần quyết liệt tái cơ cấu toàn diện mới có thể đồng hành giải quyết khó khăn được.

Hàng trăm dự án đã được tháo gỡ

Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản diễn ra vào chiều ngày 3/8 ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của lãnh đạo Bộ, ban ngành; các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp.

Phần lớn các doanh nghiệp tham dự hội nghị đều cập nhật cho đến nay các dự án đã có hướng xử lý vướng mắc cụ thể và đang trong quá trình tháo gỡ.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo kết quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước.

Đến nay, TP HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu). Trong đó, có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác, 39 dự án qua rà soát của địa phương.

Tại Hà Nội, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị. Kết quả, địa phương đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu) và đang tiếp tục giải quyết cho 293 dự án.

 

Bản thân doanh nghiệp cũng cần quyết liệt tái cơ cấu cả hoạt động và sản phẩm, dự án cụ thể, thực hiện đúng các cam kết về trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, phương án kinh doanh khả thi..., mới có thể đồng hành giải quyết khó khăn được.

TS. Cấn Văn Lực

Tham luận tại hội nghị, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, nhấn mạnh: "Đây là hội nghị rất quan trọng nhằm đánh giá tổng thể lại thị trường bất động sản và việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường bất động sản, xây dựng, đất đai và vốn, trong đó có Nghị quyết 33 nêu trên. Đồng thời, hội nghị có thể tạo cú huých mới cho thị trường bất động sản phục hồi nhanh hơn, an toàn và bền vững hơn trong thời gian tới".

Theo nhận định của TS. Cấn văn Lực, có thể nói thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất, bao gồm về tài chính, nhất là trái phiếu doanh nghiệo đáo hạn; về giao dịch; về tháo gỡ các vướng mắc chính đối với các dự án.

"Thị trường đang dần phục hồi từ tháng 5/2023 đến nay. Trong đó, quý II tốt hơn quý I (tăng 7 điểm % về lượng giao dịch bất động sản nhà ở). Các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy hiện nay khoảng 76%. Theo đánh giá của nhà đầu tư, giá cổ phiếu bất động sản tăng 18% và giá cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng tăng 39%...

Nếu cần lượng hóa, có thể hình dung đâu đó khoảng 30-50% khó khăn, vướng mắc chính, số dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý, thủ tục đã được tháo gỡ, tùy vào mỗi địa phương", TS. Cấn Văn Lực dẫn chứng.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cho rằng sự phục hồi của thị trường bất động sản vẫn còn chậm, nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời (gồm cả khâu định giá đất, tính tiền thuê đất…), sức cầu yếu (nhất là vay để mua nhà, sửa nhà, bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng…) và phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn do một số yếu tố như niềm tin, cầu đầu tư theo hướng an toàn hơn,...

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Doanh Nhân Việt Nam).

 

Kiên định không hạ chuẩn tín dụng mà xem xét linh hoạt

Theo kiến nghị của TS. Cấn Văn Lực, thứ nhất, các bộ ban ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện thật nghiêm túc, tốt các cơ chế, chính sách đã ban hành, nhất là các chính sách tài khóa với tổng giá trị hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 200.000 tỷ đồng, tương ứng ngân sách Nhà nước giảm thu khoảng 65.000 tỷ đồng; chính sách tiền tệ về giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ,…; cùng các nghị định, thông tư liên quan đến thị trường BĐS, lĩnh vực xây dựng và đất đai đã ban hành.

Thứ hai, đối với các dự án, vấn đề tồn đọng lâu nay cần bóc tách từng vấn đề để giải quyết, không để tồn đọng cả cụm vấn đề như đầu tư công đã cho phép tách riêng gói giải phóng mặt bằng.

Thứ ba, đối với vấn đề định giá đất, tiền thuê đất, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành sửa đổi Nghị định 44 (2014), Thông tư 36/2014/TNMT để các địa phương quyết liệt triển khai thực hiện, cũng là cách giải phóng nhiều dự án BĐS nhà ở đang chờ bán.

Thứ tư, về nguồn vốn tín dụng, tiếp tục giảm lãi suất như chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; kiên định không hạ chuẩn tín dụng mà có thể xem xét linh hoạt hơn điều kiện tín dụng như điều kiện về tài sản bảo đảm. Cân nhắc về thời điểm, lộ trình áp dụng một số điều khoản về hạn chế cho vay cho phù hợp hơn.

Về vốn trái phiếu doanh nghiệp, kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc thời gian qua nhằm củng cố lại niềm tin; sớm có phương án triển khai tiếp Nghị định 65/2022/NĐ-CP khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP hết hiệu lực cuối năm 2023; sớm khuyến khích phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng bằng việc đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục, thời gian phê duyệt.

Chuyên gia cho rằng nên thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước làm vốn mồi, lãi suất cho vay đầu tư, mua nhà ở xã hội bằng khoảng 50% lãi suất thị trường như Singapore và Hàn Quốc đã làm.

Thứ năm, đẩy nhanh việc tháo gỡ pháp lý, trong đó vai trò của địa phương rất quan trọng, cùng với sự vào cuộc của các Tổ công tác; cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội như đã từng làm giai đoạn 2013-2016,…

Ngoài ra, chuyên gia nhấn mạnh bản thân doanh nghiệp cũng cần quyết liệt tái cơ cấu cả hoạt động và sản phẩm, dự án cụ thể, thực hiện đúng các cam kết về trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, giao hàng nhà ở, thiện chí hợp tác với các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư về vay vốn; phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ, phương án kinh doanh khả thi..., mới có thể đồng hành giải quyết khó khăn được.

Hồng Vịnh