|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trước Adani, tập đoàn nào từng là nạn nhân của công ty bán khống Hindenburg?

08:47 | 03/02/2023
Chia sẻ
Hindenburg là một công ty đầu tư nhỏ, có tuổi đời non trẻ. Tuy nhiên, nhà bán khống này đã khiến nhiều tập đoàn tỷ USD phải điêu đứng bởi những báo cáo điều tra và tuyên bố của mình.

Ngày 24/1, Hindenburg Research, một công ty đầu tư có trụ sở tại Mỹ đã thách thức người đàn ông giàu có nhất châu Á. Trước khi thị trường chứng khoán Ấn Độ mở cửa, công ty này đã công bố vị thế bán khống với các công ty của tập đoàn Adani - thuộc sở hữu của tỷ phú Gautam Adani.

Động thái của Hindenburg Research khiến người đàn ông giàu nhất Ấn Độ và châu Á, với tài sản vào đầu năm 2023 còn lớn hơn Bill Gates, Jeff Bezos hay Warren Buffett, thiệt hại 49 tỷ USD trong một tuần, theo Bloomberg Billionaires Index

Tỷ phú Gautam Adani tụt hạng trên bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới.

Adani Group là một đế chế đa ngành nghề, có doanh thu 23 tỷ USD mỗi năm, và 23.000 nhân viên. Trong khi đó, Hindenburg Research chỉ là một công ty đầu tư non trẻ, được thành lập vào năm 2017. Cho đến năm 2020, nhà sáng lập của Hindenburg, ông Nathan Anderson vẫn không có mấy danh tiếng trên Phố Wall. 

Tuy nhiên, trước khi nhắm đến Adani, Hindenburg cũng từng hạ gục nhiều gã khổng lồ. Các báo cáo điều tra của Hindenburg đã từng khiến khiến các tập đoàn tỷ USD chao đảo, cổ phiếu sụt giảm hàng chục lần hoặc hủy niêm yết. 

Nikola và các hãng xe điện

Cuộc điều tra giúp tên tuổi của Hindenburg Research được biết đến rộng rãi nhắm đến hãng xe Nikola. Vào tháng 9/2020, Hindenburg công bố báo cáo có tên gọi “Nikola: Làm thế nào để đưa cả đại dương dối trá vào quan hệ với nhà sản xuất ô tô OEM lớn nhất nước Mỹ”.

Nikola là hãng sản xuất xe đầu kéo chạy pin nhiên liệu, xe điện đã từng có vốn hóa lên tới 34 tỷ USD. Vốn hóa của Nikola có lúc đã vượt Ford, một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất Bắc Mỹ và cả thế giới. Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm này, Nikola vẫn chưa bán được bất kỳ chiếc ô tô nào.

Hindenburg cáo buộc Nikola liên tục lừa dối khách hàng và nhà đầu tư trong nhiều năm. Khi báo cáo được công bố, cổ phiếu Nikola cắm đầu, và cho tới nay đã mất 94% giá trị. Hiện tại, vốn hóa của công ty chỉ là 1,36 tỷ USD. Nhà sáng lập, cựu CEO của Nikola, ông Trevor Milton đã phải từ chức, và bị một bồi thẩm đoàn buộc tội lừa đảo nhà đầu tư.

Cổ phiếu Nikola tiếp tục cắm đầu trong những năm tiếp theo. Vào ngày 2/2/2023, giá cổ phiếu này chỉ còn 2,66 USD/cổ phiếu.

Hindenburg cũng nhắm tới Lordstown Motors vì đánh lừa nhà đầu từ về nhu cầu và năng lực sản xuất. Công ty này sau đó xác nhận đã tiết lộ thông tin không chính xác về sự quan tâm của khách hàng tiềm năng.

Lordstown Motors từng được định giá tới 5 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện vốn hóa của công ty này chỉ là 290 triệu USD. Cổ phiếu của công ty đã cắm đầu hơn 90% kể từ khi Hindenburg công bố báo cáo.

Vào tháng 9/2020, nhà bán khống khét tiếng này cũng đã đặt ra câu hỏi về mức vốn hóa “khủng khiếp” của hãng xe điện Workhorse. Hindenburg cho rằng Workhorse khó có thể giành được hợp đồng từ Dịch vụ Bưu chính Mỹ (UPS).

Workhorse sau đó đã thất bại trong việc giành hợp đồng, và vốn hóa tụt từ 1,5 tỷ USD xuống còn 380 triệu USD sau khi Hindenburg phát đi lời cảnh báo.

Nhắm đến SPAC

DraftKings và Clover Health Investments là hai “nạn nhân” nổi tiếng khác của Hindenburg. Cả hai đều có ý định niêm yết cổ phiếu thông qua SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt).

Vào tháng 6/2021, nhà bán khống tuyên bố những người nắm được thông tin nội bộ tại DraftKing đã kiếm lời từ thông báo niêm yết thông qua SPAC, cùng với một số cáo buộc khác. Cổ phiếu của công ty này đã giảm hơn 70% kể từ khi bị Hindenburg nhắm đến. 

DraftKing phủ nhận hành vi sai trái. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng đã yêu cầu công ty này cung cấp những tài liệu liên quan tới cáo buộc của Hindenburg.

Cổ phiếu của Clover Health, được hậu thuẫn bởi nhà đầu tư mạo hiểm và ông trùm SPAC Chamath Palihapitiya, đã giảm hơn 90% kể từ khi Hindenburg công bố một báo cáo vào tháng 2/2021 cáo buộc công ty đã lừa dối nhà đầu tư. SEC cũng đã bắt đầu một cuộc điều tra sau báo cáo trên.

Twitter: Bán rồi lại mua

Khi Elon Musk đang hoàn tất quá trình mua lại Twitter, Hindenburg đã đặt cược chống lại cổ phiếu của mạng xã hội này. Cổ phiếu của Twitter đã giảm từ 49,8 USD/cổ phiếu (phiên giao dịch ngay trước khi Hindenburg công bố vị thế bán) xuống còn 37,39 USD/cổ phiếu (ngày 16/5).

Một ngày sau đó, Hindenburg tuyên bố đã đóng vị thế bán khống. Đến giữa tháng 7, khi cổ phiếu Twitter đang xuống khá thấp, Hindenburg lại tuyên bố đã đặt vị thế mua đáng kể.

Những "nạn nhân" khác

Kể từ năm 2017 đến nay, Hindenburg liên tục nhắm vào nhiều doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau. Một số chứng kiến cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng, số khác thậm chí còn bị hủy niêm yết. 

Dưới đây là danh sách tổng hợp các doanh nghiệp đã trở thành “nạn nhân” của Hindenburg Research trong hơn 5 năm qua.

 Tên doanh nghiệp Thời điểm Hindenburg công bố báo cáo điều tra hoặc vị thế bán khống
 Adani 24/1/2023
 Welltower 7/12/2022
 Establishment Labs 19/10/2022
 Ebix 16/6/2022
 Enochian Biosciences 1/6/2022
 Singularity Future Technology 5/5/2022
 Mullen Automotive 6/4/2022
 Natera 9/3/2022
 Standard Lithium 3/2/2022
 DraftKings 15/6/2021
 HUMBL 20/5/2021
 PureCycle 6/5/2021
 Ebang 6/4/2021
 Lordstown Motors 12/3/2021
 Ormat 1/3/2021
 Clover Health 4/2/2021
 Kandi 30/11/2020
 Loop Industries 13/10/2020
 Nikola 10/9/2020
 GrowGeneration 21/8/2020
 Facedrive 23/7/2020
 Wins Finance Holdings 17/6/2020
 Genius Brands 5/6/2020
 Sorrento Therapeutics 20/5/2020
 New Pacific Metals 20/4/2020
 SCWorx 17/4/2020
 PRED 27/3/2020
 HF Foods 23/3/2020
 PharmaCielo 2/3/2020
 NexTech AR 10/2/2020
 Opera 16/1/2020
 SmileDirectClub 4/10/2019
 Bloom Energy 17/9/2019
 Yangtze River Port & Logistics 6/12/2018
 Liberty Health Sciences 6/12/2018
 Aphria 21/3/2018
 Riot Blockchain 11/12/2017
 OPKO Health 17/11/2017
 Pershing Gold 9/11/2017
 PolarityTE 7/10/2017
 Nguồn: Minh Quang tổng hợp từ Bloomberg, Hindenburg Research

 

Minh Quang