Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng thắt chặt tín dụng cho đến hết năm 2021
Tại cuộc họp với PBoC ngày 22/3, các ngân hàng đã được yêu cầu giữ các “hạn mức” mới trong năm 2021 tương đương mức của năm ngoái. Một số ngân hàng nước ngoài cũng được khuyến khích hạn chế cho vay “bổ sung” thông qua cái gọi là “cửa sổ định hướng” gần đây sau khi củng cố bảng cân đối kế toán trong năm 2020.
Cụ thể, PBoC đã yêu cầu đại diện của 24 ngân hàng lớn giữ mức tăng trưởng tín dụng ổn định và hợp lý. Trong năm 2020, các ngân hàng đã phân bổ khoản tín dụng trị giá 19.600 tỷ NDT (3.000 tỷ USD), trong đó khoảng 20% được cấp cho các doanh nghiệp nhỏ. Với việc duy trì mức phân bổ tín dụng tương tự trong năm 2021, tổng dư nợ sẽ tăng lên khoảng 192.000 NDT, tăng 11%, tốc độ tăng chậm nhất trong hơn 15 năm.
Lu Ting, nhà kinh tế trưởng tại Nomura Holdings Inc., cho hay tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại, và mức giảm này sẽ diễn ra từ từ. Tốc độ giảm này phù hợp với lập trường không thay đổi chính sách quá nhanh của PBoC.
Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã phần nào được kiểm soát và nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang xem xét một chiến dịch nhằm hạn chế rủi ro, nhất là trong lĩnh vực tài chính và bất động sản. PBoC không đưa ra bình luận về vấn đề trên.
Số liệu chính thức cho thấy các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay mới 4.900 tỷ NDT trong hai tháng đầu năm 2021, nhiều hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Ken Chen, một nhà phân tích tại KGI Securities tại Thượng Hải, cho biết, việc hạn chế tín dụng sẽ làm giảm thanh khoản trên thị trường chứng khoán và gây áp lực lên các lĩnh vực có định giá cao.
PBoC muốn các ngân hàng tập trung cho vay trong các lĩnh vực như công nghệ đổi mới và lĩnh vực sản xuất. Đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc Guo Shuqing đã cảnh báo về nguy cơ xuất hiện “bong bóng” trên thị trường tài chính và bất động sản, làm dấy lên lo ngại các nhà hoạch định chính sách sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chính phủ Trung Quốc đang tận dụng sự phục hồi kinh tế để tháo gỡ đồn bẩy tài chính, một mục tiêu lâu nay đã bị “gác lại” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ và tiếp tục bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19. Các biện pháp kích thích kinh tế triển khai trong năm 2020 đã đẩy nợ lên tương đương 280% GDP.