Trung Quốc mở đường cho thanh toán SWIFT bằng đồng nhân dân tệ
Nguồn: Bigito Việt Nam
Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) có trụ sở tại Brussels đang mở rộng hoạt động dịch vụ của mình sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hôm qua, Trung Quốc đã phê duyệt việc thành lập chi nhánh của hiệp hội này tại Bắc Kinh.
Ông Alain Raes, Giám đốc điều hành của SWIFT khu vực châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông chia sẻ với Nikkei Asian Review rằng họ đang thiết lập văn phòng ở Bắc Kinh để đáp ứng nhu cầu giao dịch nhân dân tệ ngày càng tăng.
Khi nhắc đến sự kiện này trong một buổi phỏng vấn, ông Raes nhấn mạnh rằng nếu bạn muốn trở thành một phần của câu lạc bộ, bạn cần thích ứng với những quy tắc của câu lạc bộ đó. Điều này cũng đúng với SWIFT ở Trung Quốc.
SWIFT đã phục vụ hơn 11.000 tổ chức tài chính trên toàn cầu với những dịch vụ liên lạc được đảm bảo an toàn. Dịch vụ đổi mới thanh toán toàn cầu của SWIFT cho phép các giao dịch xuyên biên giới sẽ được phê duyệt chỉ sau vài giây.
SWIFT hiện đã có hai văn phòng tại Trung Quốc nhằm tạo điều kiện cho các giao dịch nhân dân tệ và ngoại tệ khác. Ông Raes cho biết SWIFT sẽ mang đến trải nghiệm tốt hơn khi hóa đơn và giao dịch được sử dụng tiếng Trung.
Đồng nhân dân tệ đứng thứ năm trong số các loại tiền tệ toàn cầu, chiếm 1,88% các giao dịch của SWIFT vào tháng 4. Đồng USD được sử dụng cho 40,76% giao dịch, tiếp theo là đồng Euro (33,16%), đồng bảng Anh (7,11%) và đồng yen Nhật (3,47%).
Với vị thế kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, ông Raes cho biết sẽ tái cân bằng tỷ lệ này theo thời gian. Các công ty Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện của họ cả trong và ngoài nước thông qua các chủ trương về thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Vì mô hình kinh doanh của SWIFT dựa trên hiệu suất về quy mô kinh tế, nên ông Raes cho biết văn phòng ở Bắc Kinh sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy hiệu quả chi phí của xã hội.
Nguồn: Youtube
Tuy nhiên, ông Raes cho rằng SWIFT có thể không giúp nâng cao vị thế của đồng nhân dân tệ vì đồng tiền này bản thân nó đã phát triển tự nhiên với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng có hệ thống thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của riêng mình, được gọi là Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên quốc gia (CIPS), cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ và các giao dịch nhân dân tệ xuyên biên giới.
Khảo sát của Nikkei chỉ ra rằng giá trị sử dụng CIPS đã tăng khoảng 80% năm ngoái, cho thấy quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ đang gặp thách thức không nhỏ từ nhân dân tệ.
Ngoài ra, kể từ khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc bắt đầu vận hành CIPS vào tháng 10/2015, đã có thêm hàng trăm ngân hàng ở 89 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia hệ thống này. CIPS đã xử lý thanh toán 26 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương với 3,76 nghìn tỉ USD) vào năm ngoái.