|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

14 ngân hàng toàn cầu sẽ sử dụng tiền ảo trong thanh toán quốc tế

07:47 | 04/06/2019
Chia sẻ
14 ngân hàng lớn trên toàn cầu đang tham gia phát triển hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) dựa vào công nghệ chuỗi khối (blockchain), nền tảng của đồng tiền ảo bitcoin.

Đó là các ngân hàng lớn ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu bao gồm MUFG Bank, Sumitomo Mitsui Banking Corp, UBS, Credit Suisse, Barclays, State Street...

14 ngân hàng toàn cầu sẽ sử dụng tiền ảo trong thanh toán quốc tế - Ảnh 1.

Tiền kỹ thuật số USC hứa hẹn sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới nhờ cắt giảm các kênh xử lý trung gian. Ảnh: thesleuthjournal.com



Các ngân hàng trên đang hợp tác trong một dự án phát triển một loại tiền kỹ thuật số có thể sử dụng để xử lý ngay lập tức các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, giúp giảm chi phí giao dịch bằng cách cắt giảm các kênh xử lý trung gian.

Dự án này được điều hành bởi công ty công nghệ tài chính Fnality International mới được thành lập hồi tháng trước ở London với khoản vốn đầu tư 50 triệu bảng (63,1 triệu đô la) do 14 ngân hàng tham gia dự án đóng góp.

Fnality International sẽ thiết lập tài khoản tại các ngân hàng trung ương ở các nước có ngân hàng tham gia dự án và sẽ phát hành các đồng tiền thanh toán tiện ích (USC), một phiên bản kỹ thuật số của các ngoại tệ mạnh có thể chuyển đổi ra các đồng tiền mặt liên quan.

Chẳng hạn, khi một khách hàng chuyển tiền từ Nhật Bản sang cho một khách hàng khác tại Mỹ, một ngân hàng thương mại của Nhật Bản tham gia dự án trên sẽ chuyển một khoản tiền yen vào Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Sau đó, Fnality International sẽ phát hành lượng tiền kỹ thuật số USC với giá trị tương đương với khoản tiền yen đó và gửi vào một tài khoản tại một ngân hàng cụ thể tại Mỹ.

Sau khi nhận được tiền USC từ Fnality International, ngân hàng tại Mỹ ngay lập tức chuyển số tiền đô la Mỹ có giá trị tương đương với số tiền USC đó vào tài khoản cá nhân của người nhận.

Tiền kỹ thuật số USC sẽ được bảo lãnh giá trị bởi các ngân hàng trung ương. Điều này giúp tránh các rủi ro biến động giá và cung cấp một giải pháp ổn định hơn cho các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng.

Không giống như mức giá thường biến động rất mạnh của các loại tiền ảo hiện nay, đứng đầu là bitcoin, giá của tiền kỹ thuật số USC phản ánh tỷ giá ngoại hối.

Vì USC cho phép các ngân hàng xử lý các giao dịch thanh toán ngay lập tức, các khách hàng cũng có thể giảm các rủi ro biến động tỷ giá ngoại hối trong các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới truyền thống vốn đòi hỏi nhiều thời gian để xử lý, thường mất một ngày hoặc có thể lâu hơn.

Hiện tại, các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới phải trải qua nhiều khâu liên quan đến bên trung gian thứ ba cũng như thị trường ngoại hối nếu các giao dịch này liên quan đến nhiều tiền tệ khác nhau. Điều này làm gia tăng phí xử lý và các chi phí khác.

Tiền kỹ thuật số USC sẽ giúp loại trừ nhu cầu mua tiền tệ từ thị trường ngoại hối ở nước mà khoản thanh toán được chuyển đến, cho phép các lệnh chuyển tiền được xử lý ngay lập tức.

Hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng USC sẽ được tiến hành với các giao dịch thanh toán bằng đồng đô la Mỹ, đô la Canada, đồng bảng, euro, yen.

Fnality International đang lên kế hoạch thúc đẩy đàm phán với các ngân hàng trung ương liên quan và sẽ phát hành những đồng tiền kỹ thuật số USC đầu tiên vào cuối năm 2020.

Người phát ngôn của Ngân hàng Barclays nói: “Chúng tôi là một thành viên của dự án USC và chúng tôi có thể xác nhận rằng giai đoạn nghiên cứu của dự án đang sắp kết thúc”.

Giống như bitcoin và các tiền ảo khác, USC sẽ sử dụng công nghệ blockchain để lưu lại các thông tin giao dịch, giúp chống giả mạo dữ liệu giao dịch. Tuy nhiên, USC sẽ đóng một vai trò khác hẳn so với các đồng tiền ảo hiện nay vì chúng chỉ được sử dụng bởi các ngân hàng và được bảo lãnh bởi các ngân hàng trung ương.

Nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính khác trên thế giới đã đầu tư hàng triệu đô la cho các dự án thử nghiệm hệ thống thanh toán dựa trên công nghệ blockchain, giúp giảm chi phí và tính phức tạp của các quy trình xử lý giao dịch thanh toán. Song cho đến nay, rất ít các dự án được triển khai trên quy mô rộng.

Lê Linh