|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Trung Quốc không tham vọng bá quyền, không ham số 1 thế giới'

14:22 | 19/01/2022
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng nước này nên tập trung vào vượt qua Mỹ về mặt cải thiện cuộc sống người dân và đóng góp tích cực cho thế giới thay vì mục tiêu thành nền kinh tế số một toàn cầu.
'Trung Quốc không quan tâm đến việc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới hay bá chủ toàn cầu' - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành. (Ảnh: AP).

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yu Cheng) phát biểu trong hội thảo tổ chức tại Đại học Nhân dân Trung Quốc: "Vượt qua Mỹ về GDP không phải là điều chúng ta quan tâm và theo đuổi. Điều giới lãnh đạo Trung Quốc nhắm đến là đáp ứng nguyện vọng đem lại cuộc sống tốt hơn cho mọi người".

Bình luận trên được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc công bố số liệu tăng trưởng GDP 8,1% trong 2021, cao hơn kỳ vọng và đưa nền kinh tế tới gần hơn quy mô của Mỹ.

Ngân hàng Thế giới ước tính kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,6% năm ngoái. Theo tính toán của South China Morning Post, điều này có nghĩa là kinh tế Trung Quốc hiện bằng khoảng 80% quy mô kinh tế Mỹ, trong khi một năm trước đó chỉ tương đương 70%.

'Trung Quốc không quan tâm đến việc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới hay bá chủ toàn cầu' - Ảnh 2.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có trở thành siêu cường tiếp theo hay không, ông Lạc trả lời rằng đất nước không theo đuổi mục tiêu bá chủ toàn cầu. "Chúng ta nên phản đối tư tưởng đơn phương thời Chiến tranh lạnh, can thiệp vào nội bộ nước khác, thành lập bè phái và hội nhóm chính trị". 

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng trong những tháng gần đây, bất chấp cuộc đối thoại trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình hòng tìm cách cải thiện quan hệ. Các chuyên gia nói rằng hai nước đã rơi vào thế bế tắc trong các cuộc đàm phán thương mại.

Thứ trưởng Lạc thừa nhận quan hệ Mỹ-Trung đối mặt với "những khó khăn lớn" nhưng trách nhiệm thuộc về Washington: "Mấu chốt của vấn đề nằm ở chính sách Trung Quốc sai lầm của Mỹ, cách hiểu sai về Trung Quốc, quan điểm sai lầm về thời đại và thế giới".

"Trung Quốc và Mỹ không nên đấu quyền anh mà chúng ta nên ở trong cuộc thi điền kinh. Điều đó có nghĩa là giành chiến thắng và đi đến tương lai bằng cách cải thiện bản thân", ông nói thêm. 

Báo cáo Viện Chongyang công bố ngày 17/1 kêu gọi Mỹ chuyển đổi chính sách từ "tách rời" sang "nối lại" kinh tế với Trung Quốc, tách bạch vấn đề này với chính trị.

GDP bình quân đầu người hàng năm của Trung Quốc đạt 12.551 USD trong 2021, gần đến ngưỡng thu nhập cao 12.696 USD do Ngân hàng Thế giới định ra năm 2020.

Bất chấp tăng trưởng tốt hơn dự kiến của Trung Quốc vào năm ngoái, Bắc Kinh đang cảnh giác cao độ trước các thách thức kinh tế, bao gồm dân số trên đà giảm, khu vực bất động sản chậm lại và nợ của chính quyền địa phương. Nhiều nhà phân tích cảnh báo tăng trưởng hàng năm sẽ chậm lại còn 5-5,5% trong 2022.

Ông Yao Yang, hiệu trưởng trường phát triển quốc gia của Đại học Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm hơn dự doán trước đó là 2030, cụ thể là trong giai đoạn 2028-2030. Ông còn nói rằng GDP Trung Quốc có thể lớn gấp đôi Mỹ vào năm 2049.

Giang