|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc 'hắt xì', sắn Việt Nam chao đảo

14:59 | 21/03/2019
Chia sẻ
Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm do từ năm 2018 đến nay nước này vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức cao thông qua đấu giá định kì.

Dân khổ vì giá sắn thấp

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 10 ngày đầu tháng 3, giá sắn nguyên liệu trong nước giảm nhẹ do nhu cầu yếu. Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.700 – 2.850 đồng/kg, giảm 150 đồng/kg so với cuối tháng 2. 

Tại Kon Tum, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.300 – 2.550 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg so với cuối tháng 2.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết các đơn vị kinh doanh sắn lát chủ yếu nhập hàng dự trữ với hi vọng vụ sắn 2018 - 2019 sẽ khả quan hơn so với vụ 2017 - 2018.

Theo Báo Đồng Nai, giá sắn thấp mà vẫn không tiêu thụ được khiến nông dân tỉnh Đồng Nai gặp nhiều khó khăn. Theo phản ánh của người dân địa bàn tỉnh, hai tháng trở lại đây, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến sắn tạm ngừng mua vì còn tồn hàng nhiều. Một số hộ có diện tích trồng sắn lớn buộc phải chở mì bán cho các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh.

Thêm vào đó, dịch khảm trên cây sắn càng khiến đời sống người dân thêm "khốn đốn". Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, từ giữa năm 2018, tỉnh bắt đầu xuất hiện bệnh khảm lá sắn và nhanh chóng lan thành dịch với diện tích gần 380 ha bị nhiễm bệnh. Trong đó, trên 46 ha cây sắn nhiễm bệnh nặng bị tiêu hủy.

Thị trường sắn ngày càng bấp bênh cũng vì đầu ra phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Những năm trước, đầu ra cho sắn khá ổn định vì Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến, kinh doanh mặt hàng này. Hiện nay, những doanh nghiệp chế biến sắn chỉ đếm trên đầu ngón tay và họ cũng không mở rộng đầu tư vì ngành hàng này quá rủi ro.

Trung Quốc hắt xì, sắn Việt Nam chao đảo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc vẫn ảm đạm

Do nguồn nguyên liệu cuối vụ giảm, nên chào giá xuất khẩu của các nhà máy Việt Nam tăng lên, trong khoảng 440 - 450 USD/tấn (giá FOB) tại cảng TP. HCM. Tuy nhiên, xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam vẫn trong trạng thái ảm đạm do nhu cầu mua từ phía Trung Quốc chưa có nhiều.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 2, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang hầu hết thị trường đều giảm so với tháng 1, trừ thị trường Hàn Quốc.

Trong đó, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ghi nhận giảm tới 55,9% về lượng và giảm 51,8% về trị giá so với tháng 1, với khối lượng đạt hơn 112.000 tấn, trị giá 43,86 triệu USD.

Lũy kế hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 364.980 tấn, với trị giá 134,3 triệu USD, giảm 31,4% về lượng và giảm 15,3% về trị giá. 

Cục Xuất nhập khẩu cho hay xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm do từ năm 2018 đến nay nước này vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức cao, thông qua đấu giá định kì. 

Theo Cơ quan dự trữ ngũ cốc quốc gia Sinograin, năm 2018 nước này đã đấu giá thành công 100 triệu tấn ngô, nên nhu cầu các sản phẩm thay thế ngô, đặc biệt là sắn lát giảm. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng nhập khẩu sắn chính ngạch từ Thái Lan, đồng thời, kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu.

Mới đây, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đã công bố trên Website Danh sách 170 đơn vị sản xuất kinh doanh sắn của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây.

Mất dần thị phần về tay Thái Lan?

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 6,8 triệu tấn sắn lát và tinh bột sắn, trị giá 2,06 tỉ USD, giảm 34% về lượng và giảm 5,7% về trị giá so với năm 2017, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam và Campuchia. 

Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn từ Việt Nam giảm 56,7% về lượng so với năm 2017 xuống 936.000 tấn, với giá trị cũng giảm 39,5% xuống 282,33 triệu USD. 

Trong năm 2018, lượng sắn lát và tinh bột sắn của Việt Nam chỉ chiếm 13,8% trong tổng lượng sắn lát và tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, Thái Lan chiếm tới 84,6%.

Trung Quốc hắt xì, sắn Việt Nam chao đảo - Ảnh 2.

Số liệu tổng hợp từ Trung tâm Thương mại Quốc tế

Đáng chú ý, lượng tinh bột sắn nhập khẩu từ Việt Nam của Trung Quốc trong năm 2018 giảm mạnh  tới 48,8%, so với năm trước đó xuống còn hơn 348.600 tấn, trị giá 157,54 triệu USD. Trong khi đó Trung Quốc tăng nhập khẩu lượng tinh bột sắn của Thái Lan với 1,59 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm 2017.

Giải nguy cho doanh nghiệp xuất khẩu sắn sang Trung QuốcGiải nguy cho doanh nghiệp xuất khẩu sắn sang Trung Quốc Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Thay đổi hay tiếp tục chịu rủi ro Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Thay đổi hay tiếp tục chịu rủi ro 'giải cứu'? Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc ngày càng khóXuất khẩu sắn sang Trung Quốc ngày càng khó

Đức Quỳnh

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.