|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc ngày càng khó

17:57 | 06/12/2018
Chia sẻ
Mặc dù Trung Quốc nhập khẩu tới hơn 90% lượng tinh bột sắn của Việt Nam. Tuy nhiên với quy định mới về đóng gói bao bì và nhu cầu giảm, dự báo hoạt động xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc có thể gặp khó khăn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc chiếm tới 90,4% lượng tinh bột sắn xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10, với khối lượng đạt 143.610 tấn, trị giá 72,52 triệu USD, tăng 36,8% về lượng và tăng 41,2% về trị giá so với tháng 9.

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu sắn sang Trung Quốc theo đường biên mậu có thể gặp khó khăn do nhu cầu yếu.

xuat khau san sang trung quoc ngay cang kho
Xuất khẩu sắn sang Trung Quóc ngày càng khó

Bên cạnh đó, từ ngày 15/11, tại khu vực cửa khẩu Na Hình (Lạng Sơn), Trung Quốc yêu cầu hàng hóa trên bao bì phải ghi rõ loại hàng, quy cách, hàm lượng, ngày sản xuất... nếu hàng hóa không đáp ứng đầy đủ yêu cầu thì sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu.

Cụ thể, các lực lượng chức năng phía Trung Quốc thông báo hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tinh bột sắn, sắn lát vào thị trường Trung Quốc chưa thông qua Chính phủ Việt Nam để đăng ký danh sách doanh nghiệp sản xuất với cơ quan Hải quan Trung Quốc.

Do vậy, bắt đầu từ ngày 15/11 mặt hàng tinh bột sắn, sắn lát không được phép thông quan.

Cơ quan Hải quan Trung Quốc yêu cầu tinh bột sắn, sắn lát phải do doanh nghiệp Việt Nam có trong danh sách đã được đăng ký với cơ quan Hải quan Trung Quốc sản xuất.

Khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu phải xuất trình chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan Kiểm dịch của Việt Nam chứng nhận. Nhãn mác biểu thị trên bao bì phải được in lên bao bì vừa đóng gói trước khi xuất xưởng, không cho phép hàng hóa đến cửa khẩu mới dùng biện pháp phun tạm thời hoặc lồng bao bì có in sẵn sản phẩm hay những cách thức và hình thức khác.

Trên bao bì cần ghi rõ các mục như nơi sản xuất, phân loại chất lượng, đơn vị sản xuất, ngày sản xuất và ghi rõ ràng hàng hóa dùng trong thực phẩm hay dùng trong công nghiệp.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo thời gian tới giá xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam có thể sẽ giảm nhẹ do.

Lí giải nguyên nhân, Cục cho biết thông thường tháng cuối năm luôn là giai đoạn Trung Quốc tiêu thụ tinh bột sắn nhiều nhất trong năm, nhằm phục vụ cho nhu cầu thực phẩm tăng cao dịp lễ tết cuối năm.Tuy nhiên, quy luật này dường như không còn đúng với năm 2018 khi nền kinh tế của Trung Quốc đang chịu tác động từ những căng thẳng thương mại với Mỹ.

Bên cạnh đó, guồn cung tinh bột ngô khá dồi dào sau khi Trung Quốc bán ra hơn 120 triệu tấn ngô từ kho dự trữ kể từ giữa tháng 4, làm giảm nhu cầu đối với tinh bột sắn.

Cuối cùng, đồng nhân dân tệ và đồng baht Thái tiếp tục mất giá mạnh so với đồng USD và Thái Lan đang được lợi về tỉ giá, nên giá xuất khẩu của Thái Lan cạnh tranh hơn nhiều so với của Việt Nam.

Trong bối cảnh nguồn cung sắn nguyên liệu của cả Việt Nam, Campuchia và Thái Lan niên vụ 2018 - 2019 có thể giảm do dịch bệnh và mưa lũ sẽ là yếu tố hỗ trợ để giá tinh bột sắn không giảm mạnh.

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, tháng 11 cả nước đã xuất khẩu được khoảng 200.000 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá đạt 88 triệu USD, tăng 9,8% về lượng và tăng 1,7% về trị giá so với tháng 10.

Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2017 giảm 46,1% về lượng và giảm 17,8% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân tăng tới 52,5% so với cùng kỳ năm 2017 lên 440 USD/tấn.

Lũy kế 11 tháng năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 2,21 triệu tấn, trị giá 873 triệu USD, giảm 37,1% về lượng và giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, giá xuất khẩu bình quân đạt 395 USD/tấn, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2017.


Đức Quỳnh