|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Thay đổi hay tiếp tục chịu rủi ro 'giải cứu'?

14:44 | 25/01/2019
Chia sẻ
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch được xem là ẩn chứa nhiều rủi ro. Do đó, trong năm 2019, ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới đẩy mạnh con đường chính ngạch và mở rộng mặt hàng xuất khẩu.

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch: Con dao hai lưỡi

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, những tháng cuối năm Trung Quốc ngày càng siết chặt quản lý nhập khẩu, thậm chí đóng cửa nhiều tuyến cửa khẩu tiểu ngạch.

Do đó xuất khẩu rau quả và một số loại nông sản khác của Việt Nam năm 2018 không thể tăng mạnh như những năm trước.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định Trung Quốc là thị trường rất quan trọng đối với sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đây được xem là “con dao hai lưỡi” đối với Việt Nam.

xuat khau nong san sang trung quoc thay doi hay tiep tuc chiu rui ro giai cuu
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh. Ảnh: Đức Quỳnh

Xét về mặt lợi, việc giao thương qua đường này khá dễ tính trong việc kiểm soát chất lượng, quy tắc xuất xứ. Các giao dịch cũng được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng.

Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn cũng không hề ít. Ông Thành phân tích bất kì lúc nào, vì nhiều lí do, thương lái Trung Quốc có thể thay đổi nhu cầu: “Có lúc hàng bán rất chạy nhưng cũng có lúc hàng không bán được dẫn đến tình trạng giải cứu nông sản”.

Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng thương lái nhập khẩu qua biên mậu dễ tính trong chất lượng sản phẩm sẽ không tạo nhiều động lực để doanh nghiệp Việt Nam thay đổi, đáp ứng tiêu chuẩn cao của các thị trường khó tính khác hoặc tầng lớp cao cấp ở Trung Quốc.

xuat khau nong san sang trung quoc thay doi hay tiep tuc chiu rui ro giai cuu
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Thay đổi hay tiếp tục chịu rủi ro 'giải cứu'. (Ảnh minh họa)

Cuối cùng, ông Thành chỉ ra điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng các kênh phân phối hàng của Trung Quốc: “Chúng ta chưa kết nối tốt với các công ty, tập đoàn phân phối lớn của Trung Quốc nên hàng Việt Nam tại các siêu thị nước này rất ít. Điển hình như ở Bắc Kinh, gạo Thái Lan chiếm vị trí áp đảo so với gạo Việt Nam tại các kệ hàng siêu thị”.

Theo ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, một điểm yếu khi Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc là thiếu thông tin.

“Khi tiếp xúc với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, chúng tôi nhận ra rằng việc tiếp cận thông tin từ thị trường này vẫn còn hạn chế”, ông Thắng chia sẻ.

Trong nguy cơ có cơ hội

Việc Trung Quốc siết chặt đường nhập khẩu tiểu ngạch là thách thức nhưng đồng thời cũng được coi là động lực để Việt Nam thay đổi, chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch, mở rộng mặt hàng.

Kèm theo đó, thương mại Mỹ - Trung cũng đem lại những cơ hội mới, tạo đà của nông sản Việt thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Ông Thắng phân tích căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đem lại những cơ hội tốt cho nông sản Việt Nam: "Chúng ta có thể mở rộng mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là các sản phẩm thuộc nhóm thủy sản, trái cây, gỗ".

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện Việt Nam mới chỉ có 8 loại quả được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là thanh long, vải, nhãn, chuối, dưa hấu, xoài, mít, chôm chôm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với các bộ ngành liên quan khác đang đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường đối với 7 loại quả theo thứ tự ưu tiên là sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, na và măng cụt.

“Trong tháng 12/2018, Việt Nam và Trung Quốc đã có buổi đàm phán về vấn đề này tại Bắc Kinh. Điều đáng mừng là phía bạn cũng đã chấp thuận việc xem xét mở rộng các mặt hàng hoa quả mà Việt Nam đề xuất.

Trong quá trình xem xét, phía Trung Quốc yêu cầu Việt Nam chuẩn bị các hồ sơ kĩ thuật liên quan đến vùng trồng và khả năng cung ứng đối với với các hàng này”, ông Toản cho hay.

Ông Toản thông tin thêm trong năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các bộ ngành giải quyết nhiều vướng mắc liên quan đến biên giới, sản xuất và tiêu chuẩn về xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Đối với vấn đề thương mại qua đường biên mậu, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản bày tỏ quan điểm rằng: “Chừng nào còn làm ăn qua đường tiểu ngạch, chừng đó ách hàng hóa ở biên giới vẫn còn xảy ra. Thay vào đó, chúng ta phải nhìn về dài hạn, làm ăn chính ngạch thì mới bền vững”.

Cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định bước sang năm 2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc càng phải đáp ứng các điều kiện khắt khe hơn. Vì vậy, doanh nghiệp và bà con nông dân cần phải tuân thủ theo quy định trong sản xuất và phát triển bền vững, tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại như hiện nay, nhu cầu hàng hàng nói chung và nhu cầu mặt hàng nông sản nói riêng có thể giảm. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu trong việc dẫn dắt xuất khẩu nông sản rất quan trọng.

Ông nhận định, các doanh nghiệp lớn không chỉ tập trung xây dựng kênh phân phối trong nước mà còn đứng ra liên kết với các doanh nghiệp khác để làm cầu nối đưa nông sản Việt ra nước ngoài. Như vậy mới giải quyết được những bài toán căn cơ hơn liên quan đến thị trường Trung Quốc.

Xem thêm

Đức Quỳnh