Trung Quốc: 'Miếng bánh' lớn thị trường nông sản nhưng không dễ 'xơi'
Trung Quốc, 'miếng bánh' của thị trường nông sản thế giới
Theo Trung Tâm Thông tin và Thương mại và Cục Công Thương Địa phương, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chủ động mở rộng nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân và đã trở thành quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới.
Hiện kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc chiếm 1/10 kim ngạch thương mại nông sản toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8,8% mỗi năm.
Trung Quốc có nhu cầu nông sản cao trong khi hai nước Việt Nam - Trung Quốc có chung đường biên giới nên việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, đặc biệt phù hợp với các mặt hàng nông sản có đặc tính thời vụ.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường hôm 22/11, ông Đoàn Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chiếm vị trí quan trọng với nhiều mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD.
Bên cạnh đó, ưu đãi thuế quan của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (ACFTA) cũng như các cam kết quốc tế khác của Trung Quốc đã và đang tạo thuận lợi cho hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam thâm nhập, mở rộng thị phần tại thị trường này.
Thương lái Trung Quốc còn rành rọt hơn nông dân bản địa về đặc sản Việt Nam
Mặc dù thị trường Trung Quốc có nhiều tiềm năng là vậy, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn.
Trung Tâm Thông tin và Thương mại và Cục Công Thương Địa phương cho hay, do doanh nghiệp xuất khẩu qua các kênh thương mại không chính thức nên độ rủi ro cao, khó tiếp cận thông tin, thiếu hiểu biết về các quy định cũng như yêu cầu của thị trường.
Xuất khẩu tiểu ngạch khiến doanh nghiệp bị động trong quan hệ thương mại dẫn đến bị ép giá, giá bán lên xuống thất thường.
Sản xuất nông sản của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm không đồng đều và sức cạnh tranh không cao. Các doanh nghiệp Việt chưa chủ động khai thác thị trường Trung Quốc, vẫn phụ thuộc vào việc đặt hàng của đối tác.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018: Chuyên đề Nông nghiệp, dưới góc nhìn là một thương lái buôn bán nông sản lâu năm với thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực ví von: “Muốn bán hàng phải ra ngoài chợ. Nhưng chợ lớn nhất là Trung Quốc thì chúng ta lại chưa chủ động.
Nông dân Việt Nam chỉ chờ người Trung Quốc đến mua hàng. Thậm chí thương lái Trung Quốc còn rành rọt hơn cả nông dân bản địa về đặc sản Việt Nam có gì. Nông sản Việt giống như cô gái quê danh giá chỉ chờ người ta đến tán tỉnh”.
Bên cạnh đó, là nước xuất khẩu nông sản lớn hiện nay nhưng Việt Nam vẫn thiếu thương hiệu về nông sản. Người tiêu dùng Trung Quốc, nhất là ở các thành phố lớn chưa có nhiều thông tin về hàng nông sản Việt Nam.
Một thách thức nữa là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam còn chưa hiểu rõ về thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Mặc dù thường xuyên giao thương với thị trường Trung Quốc, nhưng doanh nghiệp Việt Nam biết rất ít về thị trường này vì việc nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường còn hạn chế.
Đặc biệt, Trung Quốc hiện đã trở thành một thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Mới đây, một số địa phương của Trung Quốc đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang siết chặt quản lí về an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch.
Cần mở rộng kênh phân phối
Trung Tâm Thông tin và Thương mại và Cục Công Thương khuyến nghị để xây dựng được thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu như kiểm dịch, kiểm nghiệm, cung cấp thông tin tình hình trồng trọt, nơi sản xuất, bao gói ghi rõ tên sản phẩm, số hồ sơ vườn trồng...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc.
Trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp cần phân loại rõ ràng phẩm cấp, quy cách của từng loại hàng cụ thể. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu thiết kế bao bì riêng cho thị trường Trung Quốc, trong đó nên ưu tiên các thông tin trên bao bì bằng tiếng Trung Quốc.
Với sự phát triển của thương mại điện tử như hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác với các doanh nghiệp thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc để mở các cửa hàng trực tuyến và cung cấp nông sản cho các siêu thị mới.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, Việt Nam mới chỉ làm được khâu cung cấp nguyên liệu, nếu dẫn dắt được khâu bán hàng sẽ dẫn dắt được khâu chế biến. “Vì vậy chúng ta cần quan tâm đến cả vấn đề thương mại điện tử bởi đây được xem là vai trò dẫn dắt trong sản xuất”, bà nói.
Về mặt quản lí vĩ mô, Trung Tâm Thông tin và Thương mại và Cục Công Thương Địa phương cho rằng cơ quan quản lí Nhà nước cần chủ động nghiên cứu thị trường, nắm bắt tình hình và xu hướng phát triển của thị trường Trung Quốc; xây dựng và phổ biến chính sách hướng dẫn sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, các cơ quan liên quan phải lưu ý vấn đề sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm đúng với nhu cầu thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cần tích cực kết nối chính sách với cơ quan như hải quan, kiểm dịch thực vật của các nước hữu quan để tạo điều kiện thuận lợi và kênh thông thoáng cho thương mại nông sản.
Về vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch, ông Đoàn Minh Khôi đề xuất một mặt duy trì xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc để góp phần giải quyết những mặt hàng chưa đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch, bên cạnh đó đẩy mạnh, mở rộng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Khôi thông tin thêm, cơ chế xuất nhập khẩu giữa biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại các cửa khẩu chính thức tiến tới thực hiện chính sách 1 cửa 1 điểm dừng. Trung Quốc đã triển khai chính sách này với Lào.
Đại sứ cho rằng nếu thực hiện được chính sách này hàng hóa của Việt Nam sẽ lưu thông được nhanh hơn, song cũng cần có sự vào cuộc quyết liệt của Bộ NN&PTNT.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/