Giá sắn sẽ tiếp tục cao do nguồn cung giảm?
Đầu tháng 3/2021, giá sắn nguyên liệu trong nước tăng mạnh nên giá tinh bột sắn thành phẩm cũng được điều chỉnh tăng. Tại Tây Ninh, giá sắn nguyên liệu dao động trong khoảng 3.350 – 3.500 đồng/kg.
Các nhà máy tinh bột sắn khu vực Tây Ninh tiếp tục điều chỉnh tăng giá tinh bột thành phẩm.
Tỉnh Gia Lai hiện có trên 74 nghìn ha trồng sắn. Hiện tại, giá sắn tươi đang được các cơ sở thu mua từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, tuỳ vào hàm lượng tinh bột, cao hơn niên vụ trước gần 1.000 đồng/kg.
Theo nhận định của các đơn vị thu mua, do năng suất sắn giảm dẫn đến sản lượng giảm, cộng với tình hình dịch COVID-19 khiến sắn từ Campuchia nhập khẩu về hạn chế, trong khi đó nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến đang ở mức cao khiến giá thu mua tăng cao.
Hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến sắn tại Việt Nam chạy máy trong tình trạng thiếu nguyên liệu, cho dù vụ sản xuất 2020 - 2021 theo thông lệ hàng năm còn kéo dài vài tháng nữa.
Thời gian tới, giá có thể vẫn giữ ở mức cao như hiện tại vì nguồn cung sản lượng tinh bột sắn giảm mạnh.
Theo đánh giá của một số nhà máy, thời điểm cuối vụ 2020 - 2021 và trước khi có sắn vụ mới 2021 - 2022, giá sắn có thể tăng lên mức kỷ lục. Nguồn sắn lát thu mua nhập kho vụ 2020 - 2021 của Việt Nam rất thấp.
Trong khi đó, giá tinh bột sắn và giá ngô tăng mạnh nên nhiều nhà máy Trung Quốc ưu tiên sử dụng sắn lát nghiền.
Giá chào bán sắn lát khô của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc khoảng 270 USD/tấn FOB Quy Nhơn. Các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá khoảng 520 - 550 USD/tấn FOB TP HCM do giá thu mua nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, thông tin tổng hợp từ Hiệp hội sắn ngày 19/2 cho biết các nhà máy chế biến sắn đang thiếu nguyên liệu dù vụ sản xuất 2020-2021 theo thông lệ hàng năm còn kéo vài tháng nữa.
Theo nhận định từ các thương nhân, giá sẽ giữ mức cao vì nguồn cung giảm. Nguồn sắn lát thu mua nhập kho vụ 2020-2021 của Việt Nam ở mức thấp, trong khi giá tinh bột sắn và giá ngô tăng dẫn đến các nhà máy của Trung Quốc ưu tiên sử dụng sắn lát nghiền