|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trung Quốc giảm tốc, lợi nhuận doanh nghiệp Nhật Bản cũng lao dốc

08:47 | 13/05/2019
Chia sẻ
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục phủ mây đen lên hoạt động của các công ty đại chúng Nhật Bản, lợi nhuận ròng của họ đã giảm 2% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2019 do nhu cầu về điện thoại thông minh và chất bán dẫn của Trung Quốc chững lại.

Theo dữ liệu tổng hợp của Nikkei từ 849 công ty đã công bố kết quả kinh doanh cả năm tính đến ngày 10/5, lợi nhuận ròng đã tăng 12,6% trong nửa năm tài khóa trước (tháng 4 - 9/2018), tuy nhiên lại giảm 14,6% trong nửa năm còn lại (tháng 10/2018 - 3/2019).

Đây là lần đầu tiên lợi nhuận ròng giảm trong ba năm qua. Các công ty được khảo sát chiếm xấp xỉ 60% số doanh nghiệp đã niêm yết tại Nhật Bản, ngoại trừ các công ty phi tài chính và khởi nghiệp.

Những công ty này được kì vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 4% cho năm tài khóa hiện tại (kết thúc vào tháng 3/2020). Tuy nhiên, ước tính trên chưa tính đến khả năng Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Căng thẳng thương mại "đang dần tác động đến doanh số ô tô và đơn đặt hàng phụ tùng", CFO Koichi Takahata của Sumitomo cho hay.

Nhà sản xuất động cơ Nidec đã hưởng mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 32% trong nửa đầu năm tài khóa 2018 (tháng 4 - 9/2018) nhưng giảm 55% trong nửa năm tài khóa còn lại (tháng 10/2018 - 3/2019) do nhu cầu của Trung Quốc giảm vượt dự đoán.

Các sản phẩm được thiết kế cho ô tô và thiết bị gia dụng cũng bị ảnh hưởng, khiến Nidec lần đầu tiên ghi nhận mức lỗ ròng thường niên trong 6 năm.

Tương tự, lợi nhuận ròng của Fanuc - công ty chế tạo robot công nghiệp và các sản phẩm công nghệ cao khác - đã giảm 5% trong đầu năm tài khóa 2018 và tiếp tục giảm thêm 25% cho nửa năm còn lại do các công ty Trung Quốc cắt giảm vốn đầu tư.

"Chúng tôi đang chuẩn bị cho các kết quả tồi tệ vượt dự đoán của công ty trong tương lai", Chủ tịch kiêm CEO Kenji Yamaguchi cho biết.

Trong lĩnh vực ô tô, Mazda Motor cũng chứng kiến doanh số tại Trung Quốc giảm 11% trong nửa đầu năm tài khóa 2018 và 34% trong nửa năm còn lại. Lợi nhuận ròng cả năm của Mazda đã giảm 43%.

Các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng nói chung chứng kiến lợi nhuận của mình "bốc hơi" 53% trong nửa cuối năm tài khóa 2018, một phần vì họ đã ghi nhận mức tăng một năm trước đó từ việc cắt giảm thuế doanh nghiệp ở Mỹ.

Đặc biệt, những công ty hoạt động trên toàn cầu, chẳng hạn như các nhà sản xuất đồ điện tử, sẽ khá nhạy cảm với các xu hướng kinh tế từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất nói chung đã mất 22% lợi nhuận ròng trong nửa cuối năm tài khóa 2018.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp không tham gia vào lĩnh vực sản xuất (rất nhiều trong số đó phụ thuộc vào nhu cầu nội địa) chỉ ghi nhận mức giảm lợi nhuận 3% trong nửa cuối năm tài khóa 2018.

Công ty đường sắt East Japan Railway (JR East) đứng đầu kỉ lục về lợi nhuận ròng thường niên nhờ làn sóng khách du lịch đến thăm đất nước Nhật Bản. Tình hình của Isetan Mitsukoshi Holdings cũng tương tự.

Doanh thu của các tập đoàn Nhật Bản đã tăng 7% cho cả năm tài khóa 2018, hay 3% sau khi điều chỉnh các thay đổi kế toán.

Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của họ vẫn giảm, phần lớn là do các tập đoàn thường ghi nhận biên lợi nhuận cao đang dần mất chỗ đứng.

Biên lợi nhuận ròng của Nidec đã giảm 1,5 điểm % so với một năm trước đó, và Fanuc cũng mất 0,8 điểm %. Giá than và nhiên liệu cao cũng dẫn đến chi phí cao hơn đối với đa số doanh nghiệp.

Nhiều tập đoàn Nhật Bản dự kiến sẽ công bố kết quả kinh doanh cả năm trong tuần này, điều này có thể đẩy con số lợi nhuận tổng xuống thấp hơn nữa. Lợi nhuận của Nissan Motor và Sumitomo Chemical cũng được dự đoán sẽ giảm.

Trần Nam Thi

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.