Trung Quốc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc để thêm tiền cứu nền kinh tế
Một phụ nữ đi ngang qua trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS
Ngày 6-9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) - tức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - thông báo sẽ cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả ngân hàng thương mại, theo Hãng tin Reuters.
Động thái này sẽ giải phóng tổng cộng 900 tỉ NDT (126 tỉ USD) trong tính thanh khoản, giúp các ngân hàng có thể sử dụng để tăng các khoản cho vay và hỗ trợ những nỗ lực của chính phủ nhằm giải cứu nền kinh tế đang trên đà suy giảm của Trung Quốc.
PBOC cho biết việc cắt giảm 50 điểm cơ bản (bps), tức 0,5% tỉ lệ số dự trữ mà các nhà băng bắt buộc phải có tại ngân hàng trung ương, sẽ có hiệu lực từ ngày 16-9. Việc cắt giảm sẽ giúp giải phóng 800 tỉ NDT.
Đồng thời, ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm thêm 100 điểm cơ bản đối với các ngân hàng thương mại nông thôn đã được chọn lọc, trong 2 đợt vào ngày 15-10 và 15-11, giải phóng 100 tỉ NDT.
Như vậy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc 7 lần tính từ đầu năm 2018, theo Hãng tin Reuters.
Động thái trên diễn ra sau khi Chính phủ Trung Quốc đầu tuần này thông báo ý định tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế, khi mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang đối mặt với áp lực lao dốc giữa thương chiến leo thang với Mỹ.
Tại một cuộc họp cấp cao dưới sự chủ trì của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 4-9, Quốc vụ viện Trung Quốc đã yêu cầu tăng cường đầu tư và hỗ trợ tài chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Yêu cầu này rõ ràng đề cập tới việc cắt giảm dự trữ bắt buộc cũng như giảm lãi suất thị trường.
"Động thái cắt giảm cho thấy các nhà hoạch định chính sách ngày càng lo ngại sẽ khó làm ổn định nền kinh tế" - ông Larry Hu, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Tập đoàn tài chính Macquarie Group ở Hong Kong, nhận định.
Với việc Mỹ chính thức áp gói thuế bổ sung mới lên hàng nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1-9 và dọa tung thêm đòn thuế từ ngày 1-10 và 15-12, một số chuyên gia kinh tế gần đây ước tính tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm tới sẽ dưới mức 6%, tức đi ngược lại mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh.