|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cú sốc mang tên đồng nhân dân tệ

08:40 | 04/09/2019
Chia sẻ
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc (NDT) lại rơi thẳng đứng trong bối cảnh đối đầu thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang lún sâu vào giai đoạn "ăn miếng trả miếng".
Cú sốc mang tên đồng nhân dân tệ - Ảnh 1.

Đồng NDT và đồng USD. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Thị trường đã không ngạc nhiên khi đồng nhân dân tệ (NDT) lại rơi thẳng đứng. Tuy nhiên, với cú rơi này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức không nhỏ trong những tháng còn lại của năm nay khi cuộc đối đầu thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã lún sâu vào giai đoạn "ăn miếng, trả miếng".

* Không khoan nhượng

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9/2019, đồng NDT hôm 2/8 đã rơi thẳng đứng hơn 0,7% ngay khi mở cửa.

Ba ngày sau, "chốt chặn" 10 năm là 7 NDT đổi 1 USD nhanh chóng bị phá vỡ và Mỹ chính thức đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.

Tình hình hiện nay thậm chí còn tệ hơn trước khi các quyết định đáp trả thuế quan lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ đã lần lượt được đưa ra.

Trước hết, vào ngày 23/8, Trung Quốc quyết định áp thuế bổ sung với khoảng 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Quyết định này nhằm đáp trả quyết định tăng thuế đối với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Trump đưa ra hôm 1/8.

Sau đó khoảng 10 tiếng, ông Trump đã “trả đũa” với tuyên bố tăng thuế với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đưa xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên nấc thang mới.

Cho nên, chuyện đồng NDT một lần nữa rơi thẳng đứng vào phiên giao dịch đầu tiên của tuần cuối cùng trong tháng 8/2019 không phải chuyện bất ngờ.

Điều bất ngờ là trước khi Mỹ-Trung tuyên bố các biện pháp thuế quan mới nhằm vào nhau, thị trường phổ biến nhận định hai nước có thể sẽ triển khai vòng đàm phán thương mại mới vào đầu tháng 9/2019.

Bên cạnh đó, ngày 1/10, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nên Bắc Kinh sẽ tìm cách ổn định kỳ vọng của thị trường.

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc áp thuế bổ sung nhằm vào 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, gồm nông sản, xe hơi, dầu khí… và tuyên bố “quyết chơi tới cùng”, thì khó có thể nói “đòn đánh” này không ảnh hưởng tiêu cực đối với nhóm cử tri trung thành của ông Trump.

Trong khi đó, cùng với việc ông Trump quyết định từ ngày 1/10/2019 nâng mức thuế bổ sung đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% và nâng mức thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 15% chia làm hai giai đoạn vào ngày 1/9/2019 và 15/12/2019, đồng thời yêu cầu công ty Mỹ lập tức tìm nơi thay thế Trung Quốc, những manh nha về sự tách rời giữa hai nền kinh tế đã xuất hiện.

Đúng ngày 1/9 Mỹ và Trung Quốc đồng loạt thực hiện tăng thuế  theo đúng kế hoạch. Mỹ bắt đầu áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 112 tỷ USD, trong đó có loa thông minh, tai nghe hồng ngoại Bluetooth và nhiều loại giày dép.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh bắt đầu áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ.

Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ. Đây là lần đầu tiên mặt hàng dầu của Mỹ trở thành mục tiêu bị áp thuế kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu cuộc tranh cãi thương mại hơn một năm trước đây.

Kể từ ngày 15/12 tới Bắc Kinh cũng sẽ áp thuế bổ sung với những mặt hàng còn lại trong danh sách hàng hóa của Mỹ tổng trị giá 75 tỷ USD bị áp thuế.

Do vậy, xu hướng tìm kiếm "nơi trú ẩn an toàn" đã tăng cao khiến thị trường chứng khoán lao dốc, còn giá vàng lại dựng đứng.

Giới phân tích nhận định rằng các "cú sốc" từ biện pháp thuế quan sẽ khó tránh khỏi khiến đồng NDT tiếp tục rớt giá.

Trong ngắn hạn, sách lược gia khu vực châu Á Trương Kiện Thái thuộc Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cho rằng, nếu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) không giữ được mốc 7,1 NDT đổi 1 USD, đồng NDT sẽ rớt xuống dưới ngưỡng 7,15 NDT/USD.

Dự kiến, Bắc Kinh sẽ duy trì đồng NDT giảm giá trong trật tự, bởi hạ giá quá nhanh không có lợi cho Trung Quốc.

Trong khi đó, theo công ty chứng khoán Nomura (Nhật Bản), cuối quý III/2019, đồng NDT sẽ giảm về mức 7,2 NDT/USD, còn cuối năm nay là 7,4 NDT/USD.

* Nỗi lo từ “cơn bão hoàn mỹ”

Nhìn lại diễn biến đồng NDT hơn một năm qua có thể thấy nó có quan hệ chặt chẽ với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Sau mỗi bước Mỹ gia tăng quy mô hay mức độ đánh thuế bổ sung vào hàng hóa Trung Quốc, đồng NDT đều có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, việc biến tỷ giá hối đoái thành công cụ lại là "con dao hai lưỡi".

Theo nghiên cứu viên George Magnus thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Oxford (Anh), mô hình thương mại hiện nay đã thay đổi và tác động của việc hạ giá đồng nội tệ đối với kinh tế không còn lớn nữa.

Bởi trong chuỗi cung ứng, những lợi thế mà nhà xuất khẩu có được từ đồng nội tệ bị hạ giá sẽ bị triệt tiêu bởi việc họ phải nhập khẩu linh kiện để hoàn thiện sản phẩm với giá cao hơn do đồng nội tệ phá giá.

Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho thấy việc giảm giá đồng tiền của một quốc gia thường mang tới tác động nhanh chóng đối với nhập khẩu, trong khi chỉ có tác đụng kích thích xuất khẩu ở thời gian đầu sau khi đồng tiền bị hạ giá.

Nguyên nhân là do các đối tác thương mại của quốc gia hạ giá tiền tệ cũng sẽ tìm cách để đồng tiền của mình mất giá.

Hiện nay, cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang, lập trường thái độ của Washington và Bắc Kinh ngày một cứng rắn đều tạo ra áp lực đối với đồng NDT.

Vì thế, chuyên gia kinh tế Tạ Đống Minh thuộc Ngân hàng Hoa kiều (OCBC) có trụ sở chính ở Singapore cho rằng đồng NDT đang trong “cơn bão hoàn mỹ”.

Vấn đề mà "cơn bão" này gây ra không chỉ gói gọn trong phạm vi đồng NDT giảm giá sẽ kích thích làn sóng rút vốn và gia tăng rủi ro đổ vỡ của các doanh nghiệp vay nợ bằng đồng USD.

Theo nhiều nhà phân tích, vấn đề chủ yếu đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là ảnh hưởng tới người tiêu dùng Trung Quốc.

Những gì diễn ra ở nước Anh sau khi bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) năm 2016 cho thấy cuộc bỏ phiếu đã dẫn tới việc đồng bảng Anh mất giá, đẩy lạm phát lên cao, khiến mức sống của người dân nước này hai năm qua giảm sút.

Trong khi đó, tác động của đồng bảng Anh bị mất giá đối với xuất khẩu của nước này rất nhỏ.

Trung Quốc đang thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế từ lấy xuất khẩu sang lấy tiêu dùng làm động lực. Nếu giá cả hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, quá trình này sẽ bị ảnh hưởng.

Quan trọng hơn, tiêu dùng bị ảnh hưởng lại diễn ra trong bối cảnh thuế quan leo thang.

Kết quả khảo sát của hãng tin Bloomberg đối với 14 nhà kinh tế học cho thấy chỉ cần Mỹ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ kéo mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc xuống dưới 6%.

Với các quyết định mới nhất của ông Trump, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ còn sụt giảm nữa và đây cũng là vấn đề đối với thế giới.

Tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc đóng góp khoảng 16% vào GDP toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ với 24%.

Không chỉ vậy, Trung Quốc dần dần giữ vị thế nhóm ba nước mua nhiều hàng nhập khẩu nhất từ hơn 70 quốc gia trên thế giới, là khách hàng quan trọng của khoảng hơn 1/3 trong nhóm 200 nền kinh tế của thế giới.

Do vậy việc kinh tế Trung Quốc lao dốc chắc chắn sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng trên toàn cầu, bao gồm cả khả năng kinh tế suy thoái.

Hà Ngọc