Trước khi sử dụng nhân dân tệ làm 'vũ khí', Trung Quốc cần phải cân nhắc 4 rủi ro này
Ảnh minh hoạ (Nguồn: FT)
Kể từ giữa tháng 8, đồng nhân dân tệ đã tiếp tục suy yếu và hiện tại đã giảm hơn 4% so với đồng USD so với đầu tháng.
Theo Financial Times, đồng tiền này đang được vũ khí hoá để đưa vào cuộc chiến thương mại, tuy nhiên có 4 lí do khiến Trung Quốc cần phải khôn ngoan hơn trước khi sử dụng nó.
Đầu tiên phải kể đến là việc Trung Quốc sẽ phát huy vị thế của mình trên thế giới như thế nào?
Trung Quốc đã phải gồng mình trước sự sụp đổ của mối quan hệ với Mỹ và thực hiện theo hướng trở thành một trụ cột trong trật tự thế giới mới. Trước đó, nước này đã có một kỉ lục đáng chú ý về việc sử dụng tỷ giá hối đoái ổn định để nâng cao vị thế của mình.
Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sự ổn định tỷ giá hối đoái đã được đưa ra như một cách thể hiện sự tin cậy của Trung Quốc và cam kết đối với trật tự đa phương. Tuy nhiên, điều này có thể phải trả giá đáng kể.
Thứ hai, một đồng nhân dân tệ yếu đi có thể không hiệu quả trong việc duy trì thương mại với các nước.
Sự tương tác qua lại giữa đồng nhân dân tệ và các loại tiền tệ khác mà Trung Quốc trực tiếp cạnh tranh đang ngày càng tăng. Khi đồng nhân dân tệ thay đổi so với đồng USD, đồng dollar Đài Loan, đồng won Hàn Quốc, đồng dollar Singapore và đồng rupee của Ấn Độ cũng vậy.
Ngoài ra, theo nhận định trên Financial Times, đồng nhân dân tệ yếu có nhiều khả năng kiềm chế nhập khẩu hơn là mở rộng xuất khẩu trong ngắn hạn.
Rủi ro thứ ba là nguy cơ bị Chính quyền Mỹ trả đũa và điều này sẽ khiến cho hành động phá giá đồng tiền của Trung Quốc trở nên vô nghĩa.
Trên thực tế, Mỹ đã chính thức gán mác Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ vào ngày 5/8 trong khi có rất ít mối quan hệ với những tiêu chí chính thức mà Kho Bạc Mỹ đã đặt ra. Tuy nhiên, Chính quyền Mỹ đã cảnh báo với Trung Quốc vào tháng 5 rằng những tiêu chí này sẽ không ràng buộc quyết định của họ.
Bằng cách từ bỏ cách tiếp cận dựa trên các qui tắc định nghĩa về thao túng tiền tệ, Mỹ đã mở rộng cánh cửa cho sự đối kháng hơn nữa và Washington sẽ bước qua cánh cửa đó nếu muốn.
Rủi ro thứ tư và có thể là có ảnh hưởng xấu nhất mà Trung Quốc phải cân nhắc là đồng nhân dân tệ yếu hơn có thể gây mất ổn định tài khoản vốn và khiến dòng vốn chảy ra khỏi đất nước.
Thật vậy, đã có bằng chứng cho thấy người dân Trung Quốc cảm thấy ít tin tưởng rằng đồng nhân dân tệ là một nơi lưu trữ giá trị đáng tin cậy.
Vài năm qua đã chứng kiến những dòng vốn chảy ra này tăng lên rất nhiều. Trung bình khoảng 200 tỉ USD mỗi năm trong 4 năm vừa qua (gần 2% GDP) và khoảng 90 tỉ USD chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019. Đây là những con số lớn.
Cùng với đó, khi tỷ giá nhân dân tệ càng yếu đi, cư dân Trung Quốc càng "mong đợi" nó suy yếu và do đó nhu cầu về đồng USD lại tăng lên.
Về nguyên tắc, cách duy nhất để đối phó với rủi ro này là PBoC thực hiện một sự mất giá lớn, một lần của đồng nhân dân tệ để đồng USD trở nên đắt đỏ đến mức không ai muốn mua chúng nữa.
Tuy nhiên, điều này sẽ rất nguy hiểm. Họ cần một ngân hàng trung ương "dũng cảm" để đưa ra một tầm nhìn xa và giá trị cân bằng được xác định trước có thể bị thay đổi bởi chính sách.
Không ai thực sự biết chính xác dòng vốn ra khỏi Trung Quốc đã tăng tốc trong những năm gần đây từ hướng nào, nhưng một "ứng cử viên" dễ nhận thấy là du lịch. Chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài đã tăng rất nhiều trong những năm gần đây.
Vì vậy, sự nghi ngờ đặt ra là phải chăng khi lượng khách du lịch Trung Quốc ngày càng tăng đã tạo cơ hội chảy vốn ra nước ngoài (gần một nửa du khách trong năm ngoái là tới Hong Kong và Macao mà không bị kiểm soát vốn).
Trung Quốc đã bắt đầu để ý tới vấn đề này và trong tháng này họ đã đình chỉ một chương trình cho phép khách du lịch cá nhân từ 47 thành phố của Trung Quốc đến Đài Loan. Một hạn chế toàn cầu hơn đối với du lịch Trung Quốc có thể làm đồng nhân dân tệ (bị mất giá) an toàn hơn và giúp tăng thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc.