|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc dự kiến sửa đổi 'Made in China 2025' để làm dịu căng thẳng với Mỹ

16:34 | 13/12/2018
Chia sẻ
Trung Quốc đang lên kế hoạch thay thế dự án ​​"Made in China 2025" bằng một chương trình mới hứa hẹn mang tới sự tiếp cận tốt hơn cho các công ty nước ngoài, truyền thông Mỹ đưa tin hôm 12/12.

Phiên bản ít gây tranh cãi hơn của này có thể sẽ được triển khai vào đầu năm tới, khi Mỹ và Trung Quốc đẩy nhanh các cuộc đàm phán trong thời gian 90 ngày.

Tin tức về việc sửa đổi đã xuất hiện một ngày sau khi tòa án tại Canada cho phép bảo lãnh giám đốc điều hành của Huawei Wan Wanzhou. Cùng với thông tin về việc Trung Quốc nối lại hoạt động thu mua đậu nành Mỹ, động thái này dường như cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang "ném một nhánh ô liu" cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để xoa dịu cuộc chiến thương mại.

Hôm 12/12, The Wall Street Journal (WSJ) báo cáo Trung Quốc có kế hoạch thay thế sáng kiến "Made in China 2025" bằng một chương trình mới hứa hẹn mang tới sự tiếp cận tốt hơn cho các công ty nước ngoài. Kế hoạch sửa đổi sẽ suy yếu đặt cược của Trung Quốc trong việc thống trị ngành sản xuất.

Được đưa ra vào năm 2015, ​​"Made in China" đã đặt ra những mục tiêu táo bạo nhằm thúc đẩy đất nước trở thành quốc gia lãnh đạo trong vòng một thập kỉ về công nghệ cao, với các vị trí thống lĩnh về robot, thông tin và năng lượng sạch, trong số những lĩnh vực khác.

Bloomberg sau đó cho biết Bắc Kinh có thể trì hoãn một số điểm trong chương trình công nghiệp từ một thập kỉ đến năm 2035.

Trong khi đó, cũng vào ngày 12/12, Trung Quốc báo cáo đã thu mua đậu nành Mỹ lần đầu tiên kể từ khi lãnh đạo hai nước gặp nhau vào ngày 1/12, giúp kéo giá đậu nành giao sau của Mỹ lên mức cao nhất trong 4 tháng rưỡi.

Reuters đưa tin, các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã mua ít nhất 500.000 tấn đậu nành Mỹ trong thỏa thuận trị giá hơn 180 triệu USD.

trung quoc du kien sua doi made in china 2025 de lam diu cang thang voi my
Ảnh: Reuters.

Từ cuộc chiến song phương biến thành đa phương

Tuy nhiên, với cuộc chiến thương mại đang lan sang những lĩnh vực mới, kéo quốc gia láng giềng Canada vào cuộc và khiến các quốc gia như Nhật Bản từ chối Huawei trong chương trình cơ sở hạ tầng thế hệ tiếp theo, các vấn đề liên quan sẽ tiếp tục gia tăng.

Liệu các biện pháp mới của Trung Quốc có đủ để thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ hay không vẫn chưa rõ. Về phần mình, ông Trump đã nói rõ rằng ngay cả việc giam giữ và dẫn độ tiềm năng bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính của Huawei, cũng có thể là lợi thế trong một thỏa thuận thương mại.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 11/12 với Reuters, ông Trump cho biết có thể tham gia vào vụ án liên quan đến bà Meng, người bị chính quyền Canada giam giữ tại Vancouver theo yêu cầu của Mỹ

"Nếu tôi nghĩ nó có lợi cho một điều chắc chắn là thỏa thuận thương mại lớn nhất từng được thực hiện [...] điều gì tốt cho an ninh quốc gia [...] tôi chắc chắn sẽ can thiệp nếu tôi nghĩ điều đó là cần thiết", ông Trump phát biểu.

Chính quyền Washington đã chính thức duy trì quan điểm rằng việc bắt giữ bà Meng không liên quan đến cuộc chiến thương mại. Sự tham gia của ông Trump sẽ dẫn đến một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về Huawei, điều sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ như một quốc gia của pháp luật. Tuy nhiên, ông Trump có vẻ quan tâm nhiều hơn đến việc gia tăng áp lực lên Bắc Kinh.

Trong tháng 4, chính quyền Trump đã trừng phạt một công ty truyền thông khác của Trung Quốc, ZTE , vì vi phạm các lệnh trừng phạt thương mại đối với Iran, khiến công ty rơi vào bờ vực phá sản. Huawei có quy mô gấp 5 lần ZTE tính theo doanh số và được cho là nhập khẩu khoảng 10 tỉ USD linh kiện của Mỹ mỗi năm. Siết chặt chuỗi cung ứng của ZTE có thể khiến công ty rơi vào khủng hoảng trong chớp mắt.

Chính quyền Canada đã cấp bảo lãnh cho bà vào ngày 11/12. Họ sẽ ra quyết định vào tháng 2 về việc có giao bà Meng theo yêu cầu của Washington hay không.

trung quoc du kien sua doi made in china 2025 de lam diu cang thang voi my
Huawei trở thành nạn nhân trong cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung quốc. Ảnh: Nikkei Asia/Yu Nakamura

Lợi thế mới trong đàm phán thương mại

Mỹ và Trung Quốc phải có thời gian đến cuối tháng 2 để đạt được một thỏa thuận về thương mại trước khi hiệp định đình chiến trong 90 ngày hết hạn, và nhiều chuyên gia dự báo ông Trump sẽ dùng Huawei như một lợi thế trong đàm phán.

Chính quyền Mỹ cũng dự kiến ​​sẽ truy tố các tin tặc có liên quan đến chính phủ Trung Quốc vào đầu tuần này, và có thể xử phạt những kẻ liên quan đến các cuộc tấn công mạng vào tập đoàn và cơ quan chính phủ Mỹ, theo truyền thông địa phương. Chính quyền Trung Quốc bị nghi ngờ có hành vi làm rò rỉ dữ liệu, ảnh hưởng tới 500 triệu khách của khách sạn Marriott International, được phát hiện vào tháng trước.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã lên tiếng chống lại Trung Quốc vì sự mất cân bằng thương mại lớn giữa hai quốc gia. Sự tấn công của ông sau đó rời sang sáng kiến "​​Made in China 2025". Mỹ hiện đánh thuế bổ sung lên 250 tỉ USD sản phẩm của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, với thuế quan trả đũa từ Bắc Kinh, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, thực tế, đã tăng lên. Ông Trump đang tận dụng vấn đề Huawei và an ninh mạng với hy vọng đạt được một thỏa hiệp.

Trong khi đó, Trung Quốc đang thúc Mỹ thả bà Meng dù bày tỏ sự quan tâm đến việc thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại. Liên quan đến việc giam giữ cựu nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho biết hôm 12/12 rằng: "Chính quyền Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề theo luật pháp và quy định".

Theo Nikkei Asia, hầu hết nhà ngoại giao ở thủ đô Bắc Kinh tin rằng ông Kovrig đã bị giam giữ để trả đũa việc bắt giữa bà Meng, mặc dù ông Lu từ chối đưa ra bình luận. Ông Lu cho biết Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, công ty thuê ông Kovrig, đã "không đăng ký hợp pháp tại Trung Quốc lục địa theo yêu cầu của pháp luật", báo hiệu rằng Bắc Kinh đang đàn áp người nước ngoài trong biên giới.

Khi Canada bắt giữ một công dân Trung Quốc vào năm 2014 theo yêu cầu từ phía Mỹ, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách bắt giữ cặp vợ chồng người Canada sống ở tỉnh Liêu Ninh về tội gián điệp. Họ đã thả vài năm sau đó.

Khi căng thẳng gia tăng, Nhật Bản đã quyết định loại bỏ các sản phẩm của Huawei khỏi những dự án liên kết với chính phủ. Trung Quốc đã cáo buộc hành động này là "phân biệt đối xử" đối với các công ty của họ.

Nhiều công ty Nhật Bản lo ngại họ có thể bị kéo vào cuộc tranh cãi ngày càng trở nên tồi tệ về Huawei. Trong tuần trước, Trung Quốc đã kết án hai công dân Nhật Bản bị tội gián điệp, tiếp tục làm leo thang lo ngại.

Mỹ và Trung Quốc vẫn đang nỗ lực giải quyết các vấn đề thương mại, với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đề nghị thu hồi thuế quan 25% đối với ô tô Mỹ trong một cuộc điện thoại hôm 10/12 với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Tuy nhiên, những phát triển gần đây đặt ra một rào cản đáng kể. "Hai bên vẫn chưa ấn định ngày gặp mặt trực tiếp", một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Xem thêm

Lyly Cao