Trung Quốc điều tiết đồng NDT để ngăn chặn khủng hoảng tài chính
Trung Quốc đang sử dụng một chính sách phòng vệ nhằm ngăn chặn nguy cơ sụp đổ thị trường tài chính: tỷ giá ấn định hàng ngày (CNY fixing rate).
Nhiều cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc đã giảm điểm do lo ngại về chiến dịch giảm tỷ lệ đòn bẩy của chính phủ nước này. Do đó, các quan chức Trung Quốc đã điều chỉnh tăng giá trị đồng Nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD, điều này khiến các nhà quan sát thị trường khá bất ngờ.
Sau khi đạt được kỳ vọng vào đầu năm, mức tỷ giá ấn định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), vốn là công cụ để quản lý đồng NDT, đã tăng mạnh hơn mức dự báo của 4 ngân hàng thường xuyên theo dõi chỉ số này trong vòng 24/32 ngày giao dịch đã qua.
Ông Xia Le, chuyên gia kinh tế của Banco Bilbao Vizcaya Argentaria tại Hồng Kông cho hay: "PBOC đang sử dụng các biện pháp mạnh hơn nhằm ngăn chặn tình trạng hoảng loạn lan rộng ra thị trường tiền tệ", ý nói tới mức tỷ giá ấn định được cập nhật hàng ngày (fixing rate, giống như tỷ giá trung tâm của Việt Nam). "Trong ngắn hạn, không ai có thể chống lại PBOC khi cơ quan này can thiệp thông qua tỷ giá ấn định. Các nhà đầu tư có thể sẽ sẵn sàng bán ra đồng USD, giúp đẩy đồng NDT lên cao hơn so với mức hiện tại".
PBOC đã ấn định giá trị đồng NDT so với đồng USD mạnh hơn kỳ vọng để giữ giá đồng NDT, trong khi ghìm cương tín dụng. Trong hình là chênh lệch giữa tỷ giá ấn định thực tế và tỷ giá ấn định dự báo. Ảnh Bloomberg. |
Trung Quốc dường như đang cố gắng tìm ra một sự cân bằng giữa việc giải quyết các rủi ro tài chính, trong khi tránh gây ra một cuộc bán tháo trên diện rộng, vốn sẽ làm suy yếu niềm tin vào thị trường và khả năng can thiệp của Bắc Kinh.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang muốn chống lại tình trạng đầu cơ và tăng cường kiểm soát đối với ngành ngân hàng, nhưng cũng đồng thời tăng đà bơm tiền rẻ khi thị trường lo ngại về một cuộc thắt chặt thanh khoản. Đồng NDT cũng đóng vai trò trấn an các nhà đầu tư nước ngoài, khi giá trị đồng tiền này vẫn ổn định dù lợi suất trái phiếu tăng và thị trường chứng khoán suy giảm.
Ông Khoon Goh, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á của ANZ ở Singapore, cho biết tuy Trung Quốc đã ngăn chặn dòng vốn chảy ra chủ yếu thông qua các biện pháp kiểm soát vốn khắt khe hơn, nhưng PBOC cũng đang tăng sức mạnh cho đồng NDT để chặn trước những áp lực trong bối cảnh cổ phiếu và trái phiếu đảo chiều. Ở thị trường đại lục, tỷ giá đồng NDT đã đạt mức đỉnh 3 tuần vào ngày thứ Tư vừa qua.
Ông Goh, một trong những nhà phân tích có những dự đoán theo sát với tỷ giá ấn định của đồng nhân dân tệ trong tháng này, bình luận: "Các nhà chức trách nhiều khả năng muốn đảm bảo rằng dòng vốn tháo chạy không tăng lên, và giữ ổn định đồng NDT là một cách để đảm bảo điều này".
Chính sách của PBOC quy định rằng đồng NDT chỉ được giao dịch trong 1 biên độ tối đa +/-2% so với tỷ giá ấn định. Tuy nhiên, các quan chức chưa bao giờ tiết lộ chính xác cách tính tỷ giá ấn định này là như thế nào, khiến cho giới ngân hàng phải đưa ra các mô hình của họ dựa trên những diễn biến của tỷ giá ấn định trong quá khứ và những thông điệp từ các nhà hoạch định chính sách. Kể từ giữa năm 2016 cho đến gần đây, tỷ giá ấn định là rất dễ dự đoán.
Tuy nhiên, từ ngày 5/4 tới nay, tỷ giá ấn định thực tế đã cao hơn mức dự báo do các ngân hàng ANZ, Mizuho Bank, Scotiabank và China Guangfa Bank cung cấp. Tỷ giá ấn định thực tế đã cao hơn 0,23% so với mức dự đoán trung bình vào thứ Ba vừa qua (16/5), mức chênh lệch lớn nhất kể từ tháng 2/2017.
Theo nhà chiến lược tiền tệ Ken Cheung tại Mizuho, chính sách tỷ giá ấn định mạnh mẽ hơn sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tới thị trường trái phiếu tại đại lục. Các quỹ ở nước ngoài cũng được tạo điều kiện để tăng khả năng tiếp cận thị trường nợ trong đại lục, thông qua cầu nối giao dịch tại Hồng Kông.
Đồng NDT giảm giá so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại, trừ đồng USD. Màu trắng là chỉ số so sánh sức mạnh đồng NDT với một rổ các đồng tiền khác của Bloomberg, sao chép chỉ số so sánh sức mạnh đồng NDT so với một loạt đồng tiền khác của Cơ quản điều hành thị trường tiền tệ Trung Quốc (CFETS). Màu xanh là tỷ giá giao ngay giữa đồng USD và đồng NDT tại lục địa. Ảnh: Bloomberg. |
Thực tế là đồng NDT đang có sự ổn định so với đồng USD, nhưng vẫn còn yếu so với các đồng tiền khác, cho thấy chính sách ấn định tỷ giá mạnh mẽ hơn là một động thái nhằm tăng lòng tin của nhà đầu tư. PBOC đã không trả lời những câu hỏi được gửi fax tới văn phòng truyền thông của họ vào thứ Năm.
Các nhà kinh doanh đã giảm đặt cược vào việc đồng NDT sẽ suy yếu. Hiện tại khả năng đồng NDT suy yếu về mức trên 7 NDT = 1 USD vào tháng 6 hiện ở mức 8%, giảm so với mức 38% của 2 tháng trước, theo các dữ liệu của Bloomberg. Tuy nhiên, các nhà chiến lược vẫn cho rằng đồng tiền này, vốn được giao dịch ở mức 6,8929 NDT = 1 USD vào thứ Năm, sẽ giảm về mức 7,05 NDT = 1 USD.
Trong khi ông Goh của ANZ cho biết "xu hướng mạnh mẽ hơn nhằm tăng giá đồng NDT" có thể sẽ vẫn tiếp diễn, sẽ rất khó để PBOC duy trì điều này khi thị trường bắt đầu phản ánh việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
"Đây không phải là một cuộc cải cách toàn diện chính sách ngoại hối của Trung Quốc - PBOC sẽ muốn duy trì sự nhất quán trong chính sách, vốn là nền tảng ổn định của đồng NDT", ông Cheung của Mizuho cho biết. "Nhưng khi Trung Quốc nới lỏng kiểm soát vốn để thúc đẩy quá trình quốc tế hóa vào nửa sau năm nay, đồng tiền này sẽ phải đối mặt với áp lực suy yếu nhẹ".