|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát ở Trung Quốc khác xa ở Mỹ, làm khó cho PBoC

10:50 | 13/04/2022
Chia sẻ
Ở Mỹ, giá tiêu dùng tăng phi mã suốt nhiều tháng qua. Nhưng ở Trung Quốc, giá tiêu dùng chỉ đi lên rất khiêm tốn, giá sản xuất mới là thứ tăng mạnh.

Giá nhiên liệu tháng 3 ở Trung Quốc nhảy vọt 24,1% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Getty Images). 

Dư địa chính sách của Trung Quốc 

Các nhà kinh tế nhận định, xu hướng lạm phát kéo dài đang thu hẹp đáng kể dư địa để Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cắt giảm lãi suất và hỗ trợ tăng trưởng. Theo dữ liệu công bố ngày 11/4, chỉ số giá sản xuất (PPI) và giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 ở Trung Quốc đều tăng cao hơn dự kiến của các nhà phân tích.

Nhóm chuyên gia kinh tế của Nomura viết trong lưu ý ngày 11/4: “Lạm phát giá lương thực và năng lượng lên cao đang cản trở PBoC cắt giảm lãi suất, bất chấp việc nền kinh tế đang xấu đi nhanh chóng”.

Báo cáo của Nomura hồi đầu tháng cũng lưu ý rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm của Trung Quốc chỉ cao hơn chút ít so với tốc độ tăng của chỉ số CPI. Điều này làm giảm giá trị tương đối của tiền gửi ngân hàng tại Trung Quốc.

Trên phương diện quốc tế, lãi suất tại Mỹ tăng đang thu hẹp khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ và Trung Quốc, qua đó làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu Trung Quốc. Khoảng cách này sẽ càng hẹp hơn nếu PBoC hạ lãi suất.

Theo Reuters, lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống dưới lợi suất 10 năm của Mỹ vào ngày 11/4, lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua. Trước đó lợi suất trái phiếu Trung Quốc thường cao hơn 100-200 điểm cơ bản so với Mỹ.

Ông Bruce Pang, trưởng nhóm nguyên cứu về vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance nói với CNBC: “Chúng tôi nghĩ tháng 4 có thể là cơ hội cuối cùng để Trung Quốc giảm lãi suất trong ngắn hạn trước khi Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán”.

Biên bản cuộc họp được Fed công bố tuần trước cho thấy phần đông các nhà hoạch định chính sách đều đồng ý giảm lượng trái phiếu ngân hàng trung ương này nắm giữ với tốc độ gấp đôi so với giai đoạn trước đại dịch. Nhiều khả năng kế hoạch này sẽ được khởi động từ tháng 5.

Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố vào sáng 12/4 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1981 này có thể khiến Fed khẩn trương siết chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, thông qua giảm quy mô bảng cân đối và tăng lãi suất điều hành.

Ông Pang cho biết: “Nếu lạm phát tiếp tục tăng thì có thể sẽ càng làm hạn chế khả năng điều chỉnh chính sách của Trung Quốc”. Ông lưu ý rằng nhà đầu tư Trung Quốc đang ngày càng trông đợi PBoC hành động sau phát biểu của các quan chức chính phủ cấp cao gần đây.

Tại cuộc họp trước Hội đồng Nhà nước tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng “vào thời điểm thích hợp”.

Biên lợi nhuận bị siết chặt

Chỉ số PPI của Trung Quốc tăng 8,3% trong tháng 3, thấp hơn mức tăng 8,8% trong tháng 2 và là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 nhưng vẫn cao hơn nhiều lạm phát CPI. Than và các sản phẩm từ dầu là các thành phần tăng mạnh nhất.

Trong chỉ số CPI, mức tăng lớn nhất đến từ nhiên liệu vận chuyển, cao hơn 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá dầu toàn cầu đã phi mã kể từ chiến sự Nga-Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2.

CPI của Trung Quốc đi lên 1,5% trong tháng 3, tăng tốc từ 0,9% trong tháng 2 và là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, theo dữ liệu của Wind Data. Giá thịt heo giảm mạnh 41,4% so với năm trước giúp kéo lạm phát lương thực đi xuống. Giá rau tăng 17,2%.

Ông Bruce Liu, CEO công ty quản lý tài sản Esoterica Capital, chỉ ra: “Chênh lệch lớn giữa lạm phát giá sản xuất và giá tiêu dùng của Trung Quốc ám chỉ rằng biên lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục chịu áp lực”.

 

CEO Liu nói tiếp: “Lạm phát tháng 3 không phải yếu tố duy nhất khiến chứng khoán Trung Quốc lao dốc phiên đầu tuần, mà thị trường còn bị liên lụy bởi cuộc bán tháo phiên 8/4 của chứng khoán Mỹ...

Ngoài Thượng Hải, nỗi lo về COVID-19 tại những địa phương khác như Quảng Châu hay Bắc Kinh cũng đè nặng lên tâm lý thị trường. Có quá nhiều thông tin nhà đầu tư cần chú ý vào lúc này”.

Các nhà phân tích của Citi kỳ vọng rằng ngay trong tháng này, PBoC có thể giảm lãi suất chính sách hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Họ cho rằng làn sóng Omicron kéo dài đòi hỏi Trung Quốc phải nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.

Các nhà phân tích viết: “Theo chúng tôi thì lạm phát sẽ không gây sức ép cho chính sách tiền tệ vào thời điểm này, nhưng có thể trở thành nguồn cơn đáng lo ngại trong nửa cuối năm”.

Nhóm phân tích của Citi dự đoán chỉ số PPI sẽ hạ xuống 5,6% cho cả năm 2021. Trong khi đó, chỉ số CPI nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ - lên 2,3% cho cả năm – bởi giá thực phẩm duy trì ở mức cao.

Giang