Trung Quốc cấm các đối thủ chặn nhau, Alibaba bắt đầu 'xuống nước', cho phép tích hợp WeChat Pay vào app
Alibaba đã bắt đầu cho phép khách hàng sử dụng WeChat Pay, dịch vụ thanh toán do đối thủ Tencent điều hành trên một số nền tảng của tập đoàn trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích tăng cường cạnh tranh và hạn chế hành vi độc quyền giữa các tập đoàn công nghệ lớn, theo South China Morning Post.
Một số dịch vụ của Alibaba, bao gồm nền tảng giao đồ ăn Ele.me, nền tảng phát trực tuyến video Youku, nền tảng bán vé trực tuyến Damai và nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Kaola hiện đã được tích hợp WeChat Pay thành một trong những tùy chọn thanh toán cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, sàn thương mại điện tử giá rẻ Taobao Deals và chuỗi cửa hàng tạp hóa Freshippo cũng đang chờ Tencent phê duyệt để đưa WeChat Pay vào dịch vụ thanh toán của họ.
Taobao hiện đã tích hợp Cloud QuickPass, một dịch vụ thanh toán do UnionPay thuộc sở hữu nhà nước điều hành, làm phương thức thanh toán kể từ tháng 8.
Người phát ngôn của Alibaba cho biết: "Chúng tôi tin rằng sự kết nối và cởi mở là nền tảng của một hệ sinh thái kỹ thuật số lành mạnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm ra điểm chung với các đơn vị cùng ngành để phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc tốt hơn".
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi WeChat bắt đầu cho phép chia sẻ các liên kết với những đối thủ khác trong các cuộc trò chuyện song phương trước sự thúc giục của chính quyền Bắc Kinh. Đối với các liên kết bên ngoài, WeChat sẽ phát triển nhiều chức năng hơn để người dùng có thể đưa ra lựa chọn của riêng họ, theo một tuyên bố được đăng tải trên tài khoản chính thức của công ty.
Những gã khổng lồ ngành công nghệ Trung Quốc đang tích cực phá bỏ "rào cản" giữa họ sau nhiều năm xây dựng cũng như chặn các liên kết với những dịch vụ của đối thủ. Trước đây, Alibaba không chấp nhận WeChat Pay (đối thủ chính của nền tảng liên kết Alipay) trên hàng loạt ứng dụng công ty.
Ở chiều ngược lại, WeChat của Tencent đã cấm một số liên kết bên ngoài với các đối thủ cạnh tranh, bao gồm Alibaba và ByteDance, đơn vị điều hành đứng sau ứng dụng Douyin và TikTok.
Những hành động chặn và hạn chế quyền truy cập vào trang web của đối thủ cạnh tranh đã bị giám sát chặt chẽ trong chiến dịch làm sạch internet kéo dài 6 tháng do Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) phát hành vào tháng 7. Chiến dịch nhắm vào các vấn đề trong ngành bao gồm rối loạn trật tự thị trường, vi phạm quyền người dùng, đe dọa bảo mật dữ liệu và kết nối internet trái phép.
"Đảm bảo việc truy cập bình thường vào các trang web hợp pháp là yêu cầu cơ bản đối với sự phát triển của internet", ông Zhao Zhiguo, phát ngôn viên MIIT kiêm Tổng giám đốc Cục Quản lý Thông tin và Truyền thông của Bộ cho biết. Ngoài ra, ông nói thêm rằng Bộ đã nhận được nhiều khiếu nại về vấn đề này.
Sau khi MIIT ra lệnh cho cho các doanh nghiệp "tự sửa lỗi" để bỏ chặn các liên kết bên ngoài, Tencent cho biết họ ủng hộ quyết định này và sẽ thực hiện các thay đổi cần thiết theo từng giai đoạn. Tương tự, Alibaba cho biết họ sẽ hoàn toàn tuân thủ nhiệm vụ mới còn ByteDance tiết lộ họ sẽ không trì hoãn việc thực hiện chiến dịch.