Trung Quốc bán mạnh trái phiếu Mỹ, nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào USD
Theo đưa tin từ Markets Insider, Trung Quốc đã bán ra lượng kỷ lục trái phiếu chính phủ Mỹ trong quý I, đẩy mạnh nỗ lực phi đô la hóa.
Dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ do Bloomberg tổng hợp cho thấy, Bắc Kinh đã bán 53,3 tỷ USD trái phiếu kho bạc và trái phiếu của các tổ chức được chính phủ Mỹ tài trợ trong ba tháng đầu năm 2024.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng mạnh tay bán trái phiếu chính phủ Mỹ. Theo một ước tính, Trung Quốc đã xả tổng cộng 300 tỷ USD trái phiếu kho bạc trong giai đoạn từ năm 2021 đến giữa năm 2023. Lực bán của Trung Quốc có lúc mạnh đến mức khiến thị trường lo rằng nó sẽ kéo lợi suất đi lên.
Trung Quốc có vẻ sẽ tăng tốc bán ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington khó có thể cải thiện.
Năm ngoái, Trung Quốc được cho là bán bớt nợ của Mỹ để củng cố nhân dân tệ bởi đồng tiền này bị mất giá đáng kể so với USD. Có thể đây cũng là mục tiêu mà Trung Quốc nhắm đến lần này, bởi đồng bạc xanh đang tăng giá mạnh mẽ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức cao.
Trong năm nay, chỉ số USD có lúc đã tăng tới tăng 4,9%, còn giá đồng nhân dân tệ lại đi xuống. Diễn biến này khiến hàng nhập khẩu vào Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. Xu hướng này sẽ càng tệ đi nếu các biện pháp bảo hộ của Mỹ tiếp tục thúc đẩy đồng USD.
Gần đây nhất, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tăng mạnh thuế quan lên một loạt sản phẩm tiên tiến của Trung Quốc, từ pin cho đến xe điện. Nếu cựu Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, ông có thể sẽ áp mức thuế lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh việc mua vàng. Kim loại quý này hiện chiếm tỷ trọng 4,9% trong dự trữ của Trung Quốc, mức cao nhất kể từ năm 2015. Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng đang thu mua vàng với tốc độ kỷ lục.
Nhưng sức mạnh của đồng bạc xanh không phải động lực duy nhất của những xu hướng trên. Trung Quốc cũng đang phi đô la hóa kho dự trữ của mình nhằm đa dạng hóa hệ thống tài chính toàn cầu và bào mòn sự thống trị của USD.
Nỗi sợ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương hành động tương tự, sau khi họ chứng kiến phương Tây áp đặt hạn chế USD lên Nga vào năm 2022.