|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trái phiếu ngân hàng: Nguồn lợi huy động vốn hay 'gánh nặng' nợ trong tương lai?

10:10 | 30/11/2018
Chia sẻ
Việc các ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu huy động vốn trong thời gian gần đây cho thấy hình thức huy động vốn này đang được đẩy mạnh sử dụng. Bên cạnh những lợi ích về mặt tăng vốn, CAR, trái phiếu cũng tạo ra gánh nặng nợ phải thanh toán trong tương lai cho ngân hàng.
trai phieu ngan hang nguon huy dong von co loi hay ganh nang no trong tuong lai Sau 5 năm bán cho VAMC, nợ xấu có thực sự quay trở về ngân hàng?
trai phieu ngan hang nguon huy dong von co loi hay ganh nang no trong tuong lai Việt Nam vay qua kênh trái phiếu gần 53 tỉ USD, xấp xỉ 23% GDP

Ngân hàng đua nhau huy động vốn từ trái phiếu

Trong khi việc tăng vốn cấp 1 không còn quá dễ dàng thì việc lựa chọn tăng vốn bằng trái phiếu đã trở thành lựa chọn của nhiều ngân hàng trong thời gian gần đây. Liên tiếp các thông tin phát hành trái phiếu dài hạn của các ngân hàng tư đến những "ông lớn" Nhà nước.

Mới đây nhất, Vietcombank (Mã: VCB) cho biết đã phát hành thành công 288,3 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ ra công chúng từ ngày 31/10 – 16/11. Trái phiếu có kì hạn 6 năm và lãi suất huy động 7,475%/năm.

Cách đó không lâu, BIDV công bố hồ sơ phát hành 4.000 tỉ đồng trái phiếu ra công chúng với mệnh giá là 10 triệu đồng/trái phiếu. Trước đó, BIDV cũng đã có 4 đợt phát hành thành công tổng cộng hơn 1.000 tỉ đồng

trai phieu ngan hang nguon huy dong von co loi hay ganh nang no trong tuong lai
VietinBank là một trong những ngân hàng phát hành nhiều đợt trái phiếu trong năm 2018 (Ảnh: VietinBank)

VietinBank là ngân hàng khá thường xuyên phát hành trái phiếu. Đầu tháng 11, ngân hàng đã phát hành thành công 100 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 15 năm để tăng vốn cấp 2 đợt 4/2018. Cách đây không lâu VietinBank cũng cho biết đã phát hành thành công 450 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm trong đợt 2/2018, lãi suất cố định 6%/năm.

Vào tháng 6, VietinBank cũng phát hành 4.000 tỉ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Năm 2017, ngân hàng huy động được 4.200 tỷ đồng từ trái phiếu, hơn nửa số vốn đó được rót vào dự án thép và giao thông vận tải.

Bên cạnh những ngân hàng thương mại Nhà nước, các ngân hàng khác cũng tranh thủ kênh huy động này. Gần đây, MBBank hoàn tất phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm 1 ngày với trị giá hơn 1.400 tỉ đồng. Tính đến 30/9, tổng giá trị trái phiếu phổ thông MBBank phát hành đạt hơn 6.094 tỉ đồng, tăng 1,2% so với đầu năm.

Hay như VIB huy động được 2.800 tỷ đồng và để ngỏ khả năng phát hành thêm trái phiếu thời gian tới. Ngân hàng này còn lên kế hoạch dự kiến phát hành trái phiếu riêng lẻ ra thị trường quốc tế. Nếu thành công, VIB là ngân hàng thứ hai sau VietinBank phát hành trái phiếu quốc tế.

Đầu tháng 11, ACB cũng thông qua phương án phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ trong năm tài chính 2018. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp và được đảm bảo bằng trái phiếu Chính phủ thuộc sở hữu của ACB. Số vốn huy động được nhằm tăng quy mô vốn phục vụ nhu cầu cấp tín dụng trung dài hạn.

Vì sao phải lấy vốn từ trái phiếu?

Việc các ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu để huy động vốn cho thấy hình thức huy động vốn này dường như đang được sự ưa thích của nhiều nhà băng. Vốn huy động từ trái phiếu sẽ là vốn cấp 2 nếu trái phiếu đó có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu của nhà phát hành trong tương lai.

Những trường hợp còn lại, vốn từ trái phiếu được xem là một hình thức huy động vốn của ngân hàng.

Thông thường, vốn huy động từ trái phiếu là dài hạn, do đó sẽ làm tăng tỷ trọng vốn dài hạn của ngân hàng, không ảnh hưởng đến tỉ lệ vốn ngắn hạn trên cho vay trung dài hạn (tỉ lệ mà sẽ phải giảm xuống 40% vào đầu năm 2019).

Đồng thời, nó là một cấu phần giúp tăng vốn, tăng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng, giúp hỗ trợ việc áp dụng Basel II trong tương lai.

Tính đến thời điểm hiện tại trong 10 ngân hàng được chọn thí điểm thực thi Basel II mới chỉ có hai ngân hàng là Vietcombank và VIB là đã chính thức hoàn thành trước kế hoạch.

Ngoài ưu điểm tăng vốn nhanh giúp cải thiện hệ số CAR và không làm tăng tỉ lệ vốn ngắn hạn trên cho vay trung dài hạn như đã nói ở trên, tiền huy động từ trái phiếu được coi là một nguồn đầu vào có lãi suất ổn định và trong kiểm soát, không chịu ảnh hưởng của những tác động từ bên ngoài. Nhiều trái phiếu được phát hành lại không có tài sản bảo đảm cũng là một ưu điểm của hình thức tăng vốn này.

Do đó, phát hành trái phiếu được xem là một "mũi tên trúng hai đích" tại thời điểm hiện tại của nhiều nhà băng.

Trái phiếu có tạo gánh nặng nợ trong tương lai

trai phieu ngan hang nguon huy dong von co loi hay ganh nang no trong tuong lai
Ảnh minh hoạ.

Trái phiếu còn được gọi là chứng khoán nợ, do đó phát hành trái phiếu ra bên ngoài đồng nghĩa với việc nhận nợ vào mình. Hàng kì thoả thuận ngân hàng trả lãi và cuối kì phải hoàn trả gốc cho trái chủ.

Cũng do là nợ nên nhiều người lại băn khoăn về việc phát hành nhiều trái phiếu sẽ tạo gánh nặng nợ trong tương lai của ngân hàng, vấn đề thanh khoản khi trái phiếu đến kì hạn.

Đương nhiên, nhà phát hành sẽ luôn tính trước các kế hoạch khi huy động trái phiếu. Họ sẽ không để cho việc trái phiếu đến hạn dồn vào cùng một thời điểm để ảnh hưởng thanh khoản.

Cùng với đó, trái phiếu không chỉ phát hành một lần một năm mà được bán ra hàng năm, nhiều đợt với những kì hạn khác nhau.

Mặt khác, thị trường trái phiếu Việt Nam hiện tại còn kém phát triển hơn nhiều nước trên thế giới với phần lớn giá trị giao dịch là trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, trong năm 2018, thị trường trái phiếu Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 5% mỗi quí, cao hơn mức trung bình khu vực Đông Á (4,3%) và tăng trưởng 15,7% từ đầu năm, đạt 53 tỉ USD vào cuối tháng 9, theo số liệu từ ADB.

Khi thị trường nợ càng phát triển, việc sở hữu trái phiếu doanh nghiệp hay ngân hàng sẽ được xem là một kênh đầu tư ngày càng phổ biến trong lựa chọn của không những nhà đầu tư tổ chức mà còn của cá nhân.

Theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030.

Xem thêm

Diệp Bình