|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sau 5 năm bán cho VAMC, nợ xấu có thực sự quay trở về ngân hàng?

16:15 | 27/11/2018
Chia sẻ
Các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, sau 5 năm trích lập chưa chắc đã quay trở lại ngân hàng. Nếu ngân hàng không chủ động mua lại, khoản nợ đó sẽ tiếp tục được xử lý tại VAMC. Mặc khác, nợ xấu tập trung ở những ngân hàng đang tái cơ cấu lại có thời gian xử lý trái phiếu VAMC dài hơn 5 năm.

Nợ xấu từ VAMC có thực sự quay trở về ngân hàng sau 5 năm?

Đã 5 năm trôi qua kể từ ngày khoản nợ xấu đầu tiên được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua lại bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Đó là khoản nợ xấu hơn 1.700 tỷ đồng của Agribank.

Do không được sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu nên VAMC đã phát hành TPĐB để thu gom nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, giúp họ giảm áp lực trích lập dự phòng theo qui định để xử lý nợ xấu.

Theo cơ chế của trái phiếu này, ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC với giá trị sổ sách và nhận về TPĐB, đây là loại trái phiếu không có lãi suất và ngân hàng phải trích lập dự phòng trong vòng 5 năm.

sau 5 nam ban cho vamc no xau co thuc su quay tro ve ngan hang
Ảnh minh hoạ.

Như vậy, đối với các khoản nợ xấu thông thường bán cho VAMC, nếu không thực hiện mua lại trước thời hạn, sau 5 năm ngân hàng đã trích lập dự phòng đủ 100% giá trị cho khoản này. Điều này có nghĩa ngân hàng đã xử lý xong khoản nợ xấu đó.

Theo Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC: "Trong trường hợp TPĐB chưa đến hạn thanh toán, VAMC được bán lại khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB cho tổ chức tín dụng đã bán khoản nợ xấu đó theo nguyên tắc thỏa thuận về điều kiện và giá mua, bán nợ".

Do đó, ngân hàng hoàn toàn có quyền lựa chọn mua lại trước thời hạn các khoản nợ này để xử lí hoặc vẫn tiếp tục để cho VAMC xử lí nợ, và có thể nhận được một phần nào đó từ đây. VAMC cũng có thể ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán khoản nợ xấu với các yêu cầu và điều kiện nhất định.

Báo cáo ngành ngân hàng 2019 của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây nhận định, khả năng nợ xấu bán cho VAMC quay lại nội bảng là không lớn. Phần lớn số nợ được bán cho VAMC là trong năm 2014 và 2015, số này sẽ đáo hạn vào 2019 và 2020. Tuy nhiên, tập trung ở những ngân hàng đang tái cơ cấu và những ngân hàng này có thể có thời gian xử lý trái phiếu VAMC dài hơn 5 năm.

Trong khi đó, tính đến hiện tại, một số ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, MBBank, Techcombank và VIB đã trích lập hết và tất toán trái phiếu VAMC.

BVSC cho rằng lợi nhuận tốt của 2018 có thể giúp các ngân hàng có nguồn lực trích lập nốt số trái phiếu VAMC đã mua năm 2014.

Nhìn lại 5 năm xử lý nợ xấu của VAMC

Tháng 6/2013, VAMC ra đời trong bối cảnh nợ xấu là một vấn đề nan giải đối với các nhà lãnh đạo và tạo áp lực lên nhà điều hành.

Từ giữa năm 2011, nhiều tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng nợ xấu tăng nhanh, thanh khoản yếu kém, khả năng sinh lời suy giảm. Theo báo cáo chính thức của NHNN, nợ xấu ngành ngân hàng vào thời điểm 30/9/2012 lên đến 17,21% tổng dư nợ tín dụng.

Khoản mua nợ xấu đầu tiên là đến từ Agribank và trong 3 năm đầu hoạt động, gần 1/4 nợ xấu VAMC mua là của ngân hàng hàng này. Cuối 2015, Agribank có hơn 46.089 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, tăng mạnh so với 25.654 tỉ đồng vào cuối 2014. Trong đó, đã trích lập dự phòng gần 6.198 tỉ đồng.

Kết quả thu hồi nợ xấu qua các năm (Đơn vị: tỷ đồng)
sau 5 nam ban cho vamc no xau co thuc su quay tro ve ngan hang

Tuy nhiên đến 2017, nhằm hạn chế việc lạm dụng TPĐB, VAMC bắt đầu chuyển sang mua bán nợ theo giá thị trường và tích cực xử lý nợ đã mua. Trong năm, VAMC mua 31.831 tỉ đồng nợ xấu bằng TPĐB, giảm mạnh từ 100,4 nghìn tỷ đồng năm 2015. Điều này phản ánh áp lực cấp bách đối với các tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu theo hình thức này đã được thuyên giảm.

Cũng trong năm này, VAMC cho biết đã thu hồi được đạt 30.700 tỉ đồng từ nợ xấu, vượt 38% kế hoạch được NHNN giao. Nợ xấu thu được qua hai năm 2016 và 2017 chiếm 72% tổng nợ xấu thu hồi qua 5 năm 2013 - 2017.

Tính đến ngày 30/6/2018, nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt còn 46,46 nghìn tỉ đồng, chiếm 33,59% tổng nợ xấu được xử lý. Theo thống kê từ gần 20 ngân hàng của BVSC, số dư trái phiếu VAMC còn khoảng 84.257 tỉ đồng. Sacombank là ngân hàng có số dư này cao nhất với 40.131 tỉ đồng.

sau 5 nam ban cho vamc no xau co thuc su quay tro ve ngan hang
Số dư trái phiếu đặc biệt của các ngân hàng qua các năm (Nguồn: BVSC).

Xem thêm

Diệp Bình