Việt Nam vay qua kênh trái phiếu gần 53 tỉ USD, xấp xỉ 23% GDP
Trung Quốc - Gã khổng lồ 'trái phiếu'
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới đây công bố báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á (Asia Bond Monitor). Trong đó ADB nhận định các rủi ro ngắn hạn tiếp tục sẽ phủ bóng đen lên thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của các quốc gia Đông Á. Tuy nhiên ADB cũng cho rằng các quốc gia này có thể vượt qua các thử thách nếu các nhà hoạch định chính sách tiếp tục cảnh giác và thận trọng.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawad, nhận định: “Những quan ngại về các thị trường mới nổi đang dần xuất hiện, song cuối cùng những yếu tố căn bản vững chắc của Châu Á sẽ thu hút các nhà đầu tư quay trở lại thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ. Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách của khu vực cần phải theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới và đề phòng trước các cú sốc bất ngờ tiềm tàng.”
Báo cáo của ADB cho thấy qui mô trái phiếu của các thị trường mới nổi khu vực Đông Á trong quí III tăng trưởng 4,3% so với quí II và đạt giá trị 12,8 tỉ USD vào cuối tháng 9. Trong quí II, khu vực này chỉ tăng trưởng 3,2%.
Sự tăng trưởng trong quí III chủ yếu đến từ khối lượng phát hành lớn của Trung Quốc, đặc biệt là chính quyền địa phương để lấy nguồn vốn đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng. Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, Trung Quốc có thị trường trái phiếu lớn nhất Đông Á với qui mô lưu hành 9.200 tỉ USD, chiếm 72% toàn khu vực.
Thị trường trái phiếu Việt Nam: Nhiều dấu hiệu tích cực
Tại Việt Nam, qui mô thị trường trái phiếu cuối quí III tăng trưởng 5% so với quí II và 15,7% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, thị trường trái phiếu Chính phủ tăng 5,2% so với quí trước và 14,7% so với cùng kì, đóng góp chính cho tăng trưởng của thị trường chung. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cuối quí III tăng 2,9% so với quí trước và 31,6% so với cùng kì năm ngoái.
Khác với đa số thị trường mới nổi khác tại Đông Á, lợi suất trái phiếu của Việt Nam trong quí III có xu hướng đi xuống cùng với đà giảm của lãi suất liên ngân hàng và thanh khoản được cải thiện của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được kì vọng sẽ giữ ổn định lãi suất trong những tháng cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và sử dụng các công cụ khác để kiểm soát lạm phát.
Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam nhìn chung đi lên qua các năm, đạt 52,86 tỉ USD vào cuối tháng 9/2018.
Nguồn: AsiaBondOnline |
So với qui mô nền kinh tế, thị trường trái phiếu Việt Nam thời điểm 30/9 bằng khoảng 23% GDP, trong đó trái phiếu Chính phủ chiếm 21,5% GDP và trái phiếu doanh nghiệp 1,5%.
Nguồn: AsiaBondOnline |
Các trái phiếu kì hạn dài chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong danh mục trái phiếu Chính phủ Việt Nam. Năm 2013, Chính phủ còn chưa phát hành trái phiếu kì hạn trên 10 năm thì đến tháng 3/2018, trái phiếu có kì hạn từ 10 năm trở lên đã chiếm hơn 27% tổng giá trị lưu hành.
Nguồn: AsiaBondOnline |
Lợi suất trái phiếu Chính phủ những năm gần đây ổn định ở mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn bất ổn 2008-2012.
Biến động này được đo bằng độ lệch chuẩn của thay đổi lợi suất trái phiếu trong 21 ngày giao dịch gần nhất. Biến động càng lớn, thị trường trái phiếu càng nhiều rủi ro và khó dự báo.
Nguồn: AsiaBondOnline |
Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu bằng đồng Việt Nam kì hạn 10 năm và 2 năm tính đến ngày 18/11 đang dương ở mức thấp 80 điểm cơ bản. Thời kì lạm phát cao và vĩ mô bất ổn năm 2008, chênh lệch lãi suất này âm tới gần 600 điểm cơ bản (6%) cho thấy đường cong lợi suất bị đảo ngược.
Nguồn: AsiaBondOnline |