TP HCM xác định hai nhóm tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang châu Âu
Theo Trung tâm báo chí TP HCM, sáng 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)".
Doanh nghiệp trong nước cần tăng tốc nâng cao năng lực cạnh tranh
Hội nghị đã thảo luận một số nhóm vấn đề lớn liên quan đến công tác truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng.
Đồng thời hội nghị cũng đưa các giải pháp để tận dụng hiệu quả cam kết, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả cũng như vấn đề về cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU.
Đề cập đến các giải pháp nâng cao hiệu quả của FTA, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng cần tích cực xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ban hành chính sách tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, minh bạch và bảo đảm công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.
Cũng theo Bộ trưỏng, đây là thời điểm mà cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần tăng tốc nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, các vấn đề như phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và kinh doanh cũng là một điểm nhấn cần khắc phục trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu phát triển.
TP HCM xác định hai nhóm tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang châu Âu
Phó Chủ tịch UBND Dương Anh Đức cho biết, trong hơn 30 năm qua, EU có 909 dự án được cấp phép chứng nhận đầu tư với tổng vốn 3,17 tỉ USD (không bao gồm nước Anh). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, EU có 54 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng kí đầu tư.
Về thương mại, EU là thị trường xuất siêu truyền thống của thành phố là đối tác xuất khẩu thứ 3, và là đối tác nhập khẩu thứ hai.
Tính riêng 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của thành phố sang EU ước đạt 2,7 tỉ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 1,5 tỉ USD.
Xét về cơ cấu mặt hàng, sản phẩm xuất nhập khẩu của TP HCM và EU không đối đầu, không cạnh tranh trực tiếp mà bổ trợ cho nhau.
Theo Phó Chủ tịch UBND Dương Anh Đức, TP HCM xác định hai nhóm sản phẩm tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang EU.
Thứ nhất, nhóm nông nghiệp, nổi bật là café, hồ tiêu, thủy hải sản, rau củ quả nhiệt đới. Nhóm này chủ yếu từ các tỉnh đưa về thành phố chế biến và xuất khẩu đi EU.
Thứ hai, nhóm sản phẩm công nghiệp, ngoài dệt may, da giày, thành phố còn có lợi thế xuất khẩu về công nghệ thông tin và các sản phẩm, dịch vụ nội dung số.
Ban hành đề án phát triển logistic đến năm 2025
Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ về thông tin thị trường từng nước thành viên EU để hỗ trợ xúc tiến thương mại cho gần 20.000 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.
TP HCM cũng sẽ tiếp tục triển khai phát triển công nghiệp hỗ trợ để kết nối sản xuất vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số.
Ông Dương Anh Đức xác định chiến lược của TP HCM là phát triển dịch vụ hỗ trợ, phát triển hạ tầng logistic để cùng các tỉnh đưa hàng hóa vào EU nhanh hơn, với chi phí thấp hơn.
Theo đó, sắp tới UBND sẽ ban hành đề án phát triển logistic đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên tinh thần phát huy liên kết vùng, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh thành Đông - Tây Nam Bộ, giúp doanh nghiệp phía Nam giảm được chi phí xuất - nhập khẩu, khai thác tốt cơ hội từ EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác.