Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt 6 câu hỏi lớn trong triển khai EVFTA
Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, nơi không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng.
Do đó EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu.
Điều này còn có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của EU đang có những dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa.
Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang phải chịu những cơn gió ngược dữ dội của đại dịch COVID-19, khiến cho đời sống kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối bị gián đoạn. Các nền kinh tế lớn, đối tác hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều chịu mức suy giảm kỉ lục về tăng trưởng kinh tế, ngay cả EU cũng bị suy giảm GDP 2020.
“Do vậy, ngay lúc này, câu hỏi lớn hơn, quan trọng hơn là chúng ta phải làm gì, làm như thế nào, nỗ lực ra sao để đạt được ước tính, những kết quả tốt đẹp đó, nhất là để nâng mình lên trong hợp tác của các đối tác EU, khối kinh tế phát triển hùng mạnh hàng đầu của thế giới?”, Thủ tướng nói.
Do đó, Thủ tướng đề nghị cấp bộ, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung thảo luận về một số nội dung.
Thứ nhất, tại sao hoạt động truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng chưa hiệu quả? Nhận thức, hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và ngay cả trong các cơ quan quản lí Nhà nước vẫn còn hạn chế. Phải làm gì để khắc phục được tình trạng này?
Thứ hai, tại sao việc tận dụng cơ hội từ các FTA chưa được như mong đợi? Có phải là do cơ chế chính sách của chúng ta còn chưa thông thoáng, còn tạo ra những rào cản vô hình đối với doanh nghiệp hay một phần do chính các doanh nghiệp của chúng ta đang còn thụ động, chưa thay đổi tư duy kinh doanh? Chính phủ, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, người dân cần làm gì để tận dụng cơ hội tốt hơn?
Thủ tướng yêu cầu Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và các hiệp hội cần chủ động triển khai tốt đến mọi loại hình doanh nghiệp về EVFTA. Doanh nghiệp và người dân phải hiểu cặn kẽ hiệp định để triển khai có hiệu quả hơn.
Thứ ba là làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao các doanh nghiệp, đây là yếu tố sống còn trong kinh doanh. Doanh nghiệp cần làm gì? Chính phủ, chính quyền địa phương trong cả nước cần làm gì để hỗ trợ hiệu quả?
“Tôi lưu ý là ngay cả cán bộ cơ quan quản lí Nhà nước cần phải học hỏi, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, chung tay cùng doanh nghiệp để cam kết trong FTA và EVFTA đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ tư, phải làm gì để phát triển kết cấu hạ tầng, vì đây là một yêu cầu hàng đầu để sản xuất kinh doanh có hiệu quả? Chính phủ tiếp tục nỗ lực ban hành nhiều qui định thuận lợi và tăng cường đầu tư ngân sách Trung ương, thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân FDI, nhu cầu lớn về đầu tư hạ tầng của Việt Nam, về giao thông, năng lượng, viễn thông, logistics… cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp của EU.
Thứ năm, yêu cầu về phát triển bền vững là nội dung quan trọng trong EVFTA có tiêu chuẩn cao, không chỉ về nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đi đôi với các yêu cầu khắt khe về làm tốt hơn nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội, lao động, việc làm và bảo vệ môi trường,
“Không thể bán hải sản tươi ngon, giá rẻ tại thị trường EU nếu là hải sản đánh bắt trái phép. Chúng ta phải làm gì để tất cả người dân, doanh nghiệp trong và cơ quan quản lí quan tâm cùng hành động?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề.
Thứ sáu, khi EVFTA có hiệu lực, nhiều sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU, không thể đóng cửa, dựng nên hàng rào bảo hộ, mà chúng ta phải thực hiện đúng cam kết, quản lí tốt thị trường, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh.
Như vậy, Chính phủ và doanh nghiệp cần phải làm gì? Bên cạnh đó, do có khác biệt về địa lí, trình độ phát triển, nên hàng của EU vào Việt Nam chủ yếu mang tính bổ sung cho nhau. Đây là điều cần chú ý phát huy.