|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM tính chuyện kẻ ô, kẻ vạch để mang chợ xuống phố

08:20 | 16/07/2021
Chia sẻ
Đứng trước khó khăn trong việc cung ứng hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, thay vì tổ chức bán ở trong chợ thì bây giờ kẻ ô, kẻ vạch dưới lòng lề đường, vỉa hè để đảm bảo khoảng cách khi mua hàng.

Tại Hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị số 16 diễn ra chiều ngày 15/7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết, trước khi thực hiện Chỉ thị 16, người dân thành phố cần 7.000 tấn lương thực, thực phẩm mỗi ngày. Khi ba chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động thì việc cung ứng gặp khó khăn, sản lượng sụt giảm 50%, theo tin từ báo Tiền Phong.

Theo ông Vũ, chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về thành phố tăng; đồng thời việc ngưng hoạt động ba chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương khó khăn nên giá cả ngoài chợ truyền thống biến động mạnh.

Hiện, Sở Công Thương đã yêu cầu các hệ thống phân phối nâng cao năng lực dự trữ và bán hàng với 5.000 tấn thực phẩm tươi sống, 6.000 tấn rau củ quả hàng ngày, đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Ông Vũ cho biết đã làm việc với TP Thủ Đức và Hóc Môn khai thác khu vực gần chợ đầu mối để làm nơi tập kết hàng hóa. Ba ngày qua, chợ đầu mối Thủ Đức đưa vào hoạt động, mỗi ngày cung cấp khoảng 100 tấn rau củ quả từ các tỉnh về; chợ đầu mối Hóc Môn đang tính phương án này.

Đáng chú ý, trong những ngày tới, thành phố sẽ có phương án huy động công ty bưu chính, giao hành nhanh, các doanh nghiệp logistics... hỗ trợ 1.000 điểm bán bổ sung.

Về việc mở lại chợ truyền thống, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần cẩn trọng trong việc này vì số ca mắc COVID-19 của thành phố vẫn còn tăng cao.

“Hiện nay một số địa phương có đề xuất tổ chức bán hàng ở các quảng trường, đường lớn. Thay vì tổ chức bán trong chợ truyền thống, chính quyền kẻ ô, kẻ vạch bán giữa lòng đường, lề đường, đảm bảo khoảng cách cho người dân đi mua hàng. Thành phố cần xem xét, có tính toán cụ thể phương án này khi hệ thống cách cửa hàng tiện lợi đang vượt quá khả năng cung cứng”, Tiền phong dẫn lời ông Phong chỉ đạo và yêu cầu tính toán thí điểm trên từng địa bàn cụ thể, chưa áp dụng trên phạm vi toàn TP HCM.

Hiện nay tình hình dịch bệnh tại thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, TP HCM đã ghi nhận tổng cộng 20.804 ca mắc COVID-19.

Phương Trang