|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chưa đầy một tuần, nhiều doanh nghiệp lớn phía Nam với khoảng 136.000 công nhân tạm dừng sản xuất

19:08 | 15/07/2021
Chia sẻ
Trước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp tại khu vực phía Nam, trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động kéo theo đó là hàng nghìn công nhân tạm ngưng sản xuất.

Trong đợt dịch thứ 4, nhiều doanh nghiệp, công ty trong khu công nghiệp (KCN) liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng cao. Trong khi Bắc Giang và Bắc Ninh đã khống chế được dịch và dần chuyển sang trạng thái "bình thường mới" thì các tỉnh thành phía Nam như TP HCM, Đồng Nai, nơi tập trung nhiều KCN, lại đang phải đối mặt với số ca nhiễm tăng lên từng ngày.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn phía Nam phải tạm dừng hoạt động - Ảnh 1.

Nhiều công nhân phải tạm dừng sản xuất do dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Tại TP HCM, ngày 9/7, Công đoàn các Khu chế xuất - Khu Công nghiệp TP HCM cho biết, Công ty TNHH Cơ điện Solen và Công ty TNHH Hung Way thuộc Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) quyết định tạm ngừng hoạt động 15 ngày để phòng chống dịch COVID-19. Công ty TNHH Điện cơ Solen có khoảng 600 công nhân, Công ty TNHH Hung Way có khoảng 1.300 công nhân.

Ngày 13/7, Công ty PouYuen Việt Nam tại quận Bình Tân với quy mô hơn 56.000 công nhân cũng tiến hành tạm ngừng sản xuất từ 0h ngày 14/7 đến 24/7. Trước đó, công ty cũng xác nhận có khoảng 33.000 trên tổng số hơn 56.000 công nhân đã tạm ngừng việc vì nhiều lý do khác nhau có liên quan đến dịch COVID-19 kể từ đầu năm đến nay.

Tại tỉnh Đồng Nai, ngày 12/7, gần 17.000 công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cũng bắt đầu tạm nghỉ 14 ngày do Công ty ghi nhận hai trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, báo Đồng Nai đưa tin.

Ngoài ra, Công ty TNHH dệt may Eclat (huyện Nhơn Trạch) cũng đã tạm ngừng sản xuất từ ngày 14/7 và cho gần 5.000 công nhân nghỉ để phòng dịch COVID-19. Trước đó, công ty đã tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho người lao động có nguy cơ cao và ở các khu nhà trọ trên địa bàn huyện và phát hiện một số ca dương tính với SARS-CoV-2.

Công ty Changshin Việt Nam cũng cho 42.000 công nhân làm việc tại 3 nhà máy ở huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú và Long Thành tạm nghỉ việc từ 14h30 ngày 14/7 đến hết 19/7 khi phát hiện nhiều ca dương tính SARS-CoV-2 qua xét nghiệm sàng lọc.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Nam Yang Sông Mây (huyện Trảng Bom) đã tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho 2.400 công nhân khi phát hiện có ca nghi mắc COVID-19 tại công ty. Hiện, công nhân toàn bộ xưởng có ca nhiễm đã được nghỉ làm.

Gần đây nhất, sáng 15/7, Công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP Biên Hòa) quyết định tạm ngừng hoạt động hai nhà máy với gần 14.000 lao động để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trước đó, Công ty đã tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho người lao động tại hai nhà máy này và phát hiện một số ca dương tính với SARS-CoV-2.

Tính trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, có khoảng hơn 9.450 ca nhiễm COVID-19 là công nhân, viên chức lao động tại địa bàn 35 tỉnh, thành phố. Đồng thời, có gần 500.000 công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm. Thông tin được ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cung cấp trong sáng ngày 14/7.

Trước tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM cũng như các tỉnh phía Nam vẫn còn đang diễn biến phức tạp, ngày 13/7, UBND TP HCM đã chỉ đạo dừng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp từ 0h ngày 15/7 nếu không đảm bảo yêu cầu “ba tại chỗ" và “một cung đường hai địa điểm".

Thứ nhất, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, với cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “ba tại chỗ" là sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ.

Thứ hai, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “một cung đường hai địa điểm". Cụ thể, chỉ duy nhất cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7 cho đến khi có chỉ đạo mới.

Phương Trang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.