|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM cần 1,8 triệu tỉ đồng phát triển đô thị

14:48 | 10/10/2016
Chia sẻ
Tại hội thảo về 'Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM' do Bộ Xây dựng và UBND TP tổ chức mới đây, các chuyên gia cho biết hiện TP đang đứng trước nhiều thách thức về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm... 
tp hcm can 18 trieu ti dong phat trien do thi
Lãnh đạo TP tham quan một công trình xanh tại VN

Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu về phát triển đô thị, giải quyết các vấn nạn trên, chỉ tính riêng từ nay đến năm 2020, TP cần 1,8 triệu tỉ đồng.

Dồn dân về chỗ ngập

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, khi làm quy hoạch TP thường phân bổ dân cư bình quân cho các quận, huyện dựa trên diện tích đất. Điều này đã dẫn đến tình trạng những khu vực ngập nước TP vẫn đưa dân về ở. Không những vậy, các dự án nhà ở thường “đi” trước các dự án hạ tầng nên tình trạng kẹt xe cũng diễn ra triền miên.

"TP cần tính lại bài toán dân số giữa các quận huyện bằng cách thu hồi các dự án nhà ở đã giao ở những khu vực có nền đất yếu, cốt thấp, có chi phí xử lý cốt nền cao, phải làm nhiều cầu cống... đưa về các khu vực khác có hệ thống hạ tầng được đầu tư bài bản, khu vực cao ráo như dọc tuyến metro số 1 ở quận 2, 9, dọc tuyến metro số 2 ở quận 10, Tân Bình...”, PGS-TS Hòa hiến kế.

Đồng quan điểm trên, TS Trần Thị Lan Anh, thuộc Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cho rằng hiện nhiều khu vực tại TP là vùng đất trũng, trong khi TP chưa chuẩn bị kịp nguồn vốn để đầu tư hệ thống hạ tầng nên những khu vực này khi đô thị phát triển ồ ạt cũng đồng nghĩa với tình trạng ngập nước ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chính vì vậy, TP cần hạn chế phát triển đô thị ở những khu vực trũng thấp, nền đất yếu, thiếu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

TS Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, đánh giá nếu tính tổng đầu tư cho các nguồn lực xã hội giai đoạn 2016 - 2020 như chương trình di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, cải tạo lại hơn 230 chung cư cũ, làm các dự án hạ tầng để giải quyết kẹt xe, ngập nước... thì TP cần đến 1,8 triệu tỉ đồng.

Để thực hiện chương trình này, TP có 5 nguồn tài chính là cân đối ngân sách hằng năm, khai thác từ quỹ nhà đất công, thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, vốn vay ODA và huy động nguồn lực xã hội. Trong đó, riêng nguồn đất công hiện TP có 13.000 quỹ đất, nếu đem bán đấu giá đã thu được khoảng 1 triệu tỉ đồng; bán 50% cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cũng thu được khoảng 40.000 tỉ đồng...

Phát triển đô thị xanh

Bà Melissa Merry Weather, Chủ tịch Hội đồng Công trình Xanh VN (VGBC), nhận xét biến đổi khí hậu do thiếu hụt mảng xanh nghiêm trọng đã khiến cho tình trạng giao thông, hệ thống thoát nước của TP trở nên quá tải, nhất là trong các đợt mưa lớn vừa qua. Theo số liệu thống kê năm 2015, tỷ lệ cây xanh tại một số TP trên thế giới rất cao như: Singapore 30,3 m2/người, Seoul (Hàn Quốc) 41 m2/người, Berlin (Đức) 50 m2/người, Paris (Pháp) 25 m2/người, nhưng tại TP.HCM mật độ cây xanh chưa đến 1 m2/người. Hiện các nước tiên tiến trên thế giới khi xây dựng các khu đô thị, công trình xây dựng thường tuân theo tiêu chuẩn xanh của Mỹ (LEED).

Công trình xanh là một xu thế mạnh trên thế giới, nhưng đối với một quốc gia đang phát triển như VN thì đây vẫn còn rất... mới. “TP hoàn toàn có thể phát triển các khu đô thị xanh nhằm bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân. Hiện nay trên thế giới, cụ thể là tại Mỹ có hơn 60.000 công trình xanh theo tiêu chuẩn LEED và có 150 quốc gia khác áp dụng tiêu chuẩn xanh LEED trong xây dựng. Từ năm 2000, tiêu chí này được công nhận trên toàn thế giới trong việc xây dựng nhà cao tầng. Trong khi đó tại VN hiện số lượng này chỉ đếm trên đầu ngón tay”, bà Melissa cho hay.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang - một trong số ít chủ đầu tư dự án đang triển khai chuỗi căn hộ theo tiêu chuẩn LEED tại VN, cho biết theo công bố của TP hiện TP có hơn 8 triệu dân, nhưng thực tế con số chính thức phải lên đến 13 triệu dân. Theo xếp hạng của thế giới, với số dân cực lớn như vậy thì TP phải được xếp vào dạng “siêu đô thị”.

Dân số quá đông dẫn đến quá tải về hạ tầng, kẹt xe, ngập nước, các dịch vụ công không đáp ứng kịp và trong đó mảng xanh cũng ngày càng “khan hiếm”, khiến TP càng trở nên ô nhiễm, ngột ngạt. Một giải pháp đặt ra là khi TP cấp phép các dự án nhà ở cần phải được tính toán đến việc bù mảng xanh lại cho phần đất đã lấy đi.

Theo bà Mẫu, khi triển khai dự án theo tiêu chuẩn LEED, chi phí xây dựng dự án thường đội lên thêm hơn 10% tổng giá trị công trình. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại cho cộng đồng cư dân tại dự án và cho môi trường sống của TP sẽ rất tốt khi nó giúp giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe người sử dụng, giảm 30 - 50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo từ đó giảm phát thải khí nhà kính, giảm 10 - 15% chi phí vận hành và bảo dưỡng, tăng giá trị, tăng tuổi thọ và sự bền vững của công trình.

“Hiện nay, chỉ có số ít người dân VN hiểu về công trình xanh và lợi ích của nó mang lại. Đa phần chỉ cần đáp ứng nhu cầu chỗ ở. Các điều kiện còn lại như môi trường, không khí, giao thông... vẫn bị bỏ ngỏ. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xanh để thuyết phục các nhà đầu tư quyết định theo các dự án xanh, TP cần xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư công trình xanh, TP cần tạo ra các ưu đãi về nhiều mặt cho các nhà đầu tư khi quyết định đăng ký đầu tư các dự án xanh bằng các ưu đãi về tài chính, vốn vay, thuế, thủ tục hành chính, mật độ xây dựng, tầng cao, ưu đãi về đơn giá thiết kế và xây dựng xanh”, bà Mẫu đề xuất.

Theo Đình Sơn