Nhiều điểm nghẽn cản trở tăng trưởng kinh tế
Dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên - một trong những dự án đầu tư của DNNN rơi cảnh “đắp chiếu”. Ảnh Như Ý. |
Nợ đang cản trở phát triển
Trong hội thảo định hướng phát triển các thành phần kinh kinh tế Việt Nam vừa được tổ chức cuối tuần qua, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cấu trúc kinh tế của Việt Nam rời rạc, thiếu sự đan kết giữa các thành phần kinh tế; vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Việt Nam không có lực lượng phát triển, chỉ có yếu tố phát triển.
Theo ông Thiên, trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp (DN) phải dẫn dắt thị trường, nhất là DN tư nhân, còn DN nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Để chứng minh cho vai trò hỗ trợ của DNNN, ông Thiên chỉ ra những hạn chế đang tồn tại của thành phần kinh tế này.
“Hiệu quả sử dụng vốn, tốc độ tăng năng suất lao động của DNNN giảm mạnh. Hiện nay, DNNN “đóng góp” nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia - cục máu đông cản trở phát triển kinh tế lớn nhất. Thậm chí, DNNN còn là yếu tố gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, cả trực tiếp (mất vốn, gây lãng phí lớn) lẫn gián tiếp (làm méo mó môi trường kinh doanh)”, ông Thiên đánh giá.
Ông Thiên cho rằng, tình trạng nhiều dự án đắp chiếu, nhiều DN “xác sống”, gánh nặng nợ (nợ xấu của khu vực DNNN) đang trở thành vấn nạn phát triển thật sự của nền kinh tế. Trong khi đó, DNNN có nhiều thuận lợi về đất đai, tiền vốn và được giao những dự án lớn, có vị trí độc quyền… nhưng hiệu quả kinh doanh còn thấp. Mặc dù có 96,5% DNNN được cổ phần hóa nhưng kết quả này không phản ánh đầy đủ và chân thực bức tranh cổ phần hóa.
Dù số DNNN được lên kế hoạch cổ phần hóa là rất lớn, nhưng tỷ lệ vốn nhà nước được phép bán chỉ rất hạn chế, chỉ đạt khoảng 8%.
“Quá trình cổ phần hóa đang tồn tại một thứ logic ngược, đối nghịch với kinh tế thị trường: bán hàng, muốn được giá nhưng chính bên bán lại dường như cố gắng hạn chế bán, bán càng ít, càng chậm càng tốt. Đồng thời, cũng là cơ sở để kéo dài tình trạng hạn chế cung cấp thông tin về đối tượng bán cho bên mua; muốn nguồn lực quốc gia được sử dụng hiệu quả nhưng lại hạn chế chuyển nó cho các chủ thể biết cách sử dụng. Kết cục tư nhân không có động lực tham gia cổ phần hóa”, ông Thiên phân tích.
Gỡ “nút thắt” cho DN tư nhân
TS Phạm Sỹ An (Viện Kinh tế Việt Nam) cũng cho rằng, để nền kinh tế phát triển, cơ quan chức năng cần gỡ “nút thắt” là những khó khăn, rào cản mà DN tư nhân đang phải chịu. Cụ thể như yếu tố mặt bằng sản xuất, các địa phương chậm quy hoạch mặt bằng dành cho các hoạt động sản xuất công nghiệp khiến DN tư nhân không có cơ hội thuê được đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất. Các khu công nghiệp lớn, có hạ tầng hiện đại, giá thuê đất cao chỉ thích hợp cho các DN lớn, còn DN tư nhân không tiếp cận được do eo hẹp tài chính. “Nhiều DN tư nhân phải thuê lại đất của DNNN với giá cao để sản xuất. Việc thuê lại đất như vậy làm cho giá thành sản phẩm tăng lên. Hơn nữa, do thuê đất ngắn hạn khiến DN tư nhân không dám đầu tư vào máy móc và thiết bị, vì e ngại phải trả lại đất bất kỳ lúc nào”, TS An cho biết.
Ngoài ra, DN tư nhân gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Thị trường trong nước quá nhỏ bé và tăng trưởng chậm do thu nhập của dân cư còn quá thấp và tăng trưởng chậm chạp. Chiến lược công nghiệp hoá kiểu thay thế nhập khẩu với các dự án đầu tư lớn bằng ngân sách nhà nước mà lại tạo được rất ít việc làm đã làm cho thu nhập của các tầng lớp dân cư chậm được cải thiện.
Về xuất khẩu, những khó khăn chính mà DN tư nhân gặp phải là tiếp cận hạn ngạch xuất khẩu còn hạn chế. DN tư nhân thiếu thông tin về thị trường và bạn hàng nước ngoài, thiếu mạng lưới tiếp thị. DN tư nhân ít được tham gia vào các đoàn DN ra nước ngoài để xúc tiến thương mại và không có điều kiện trưng bày và quảng cáo sản phẩm để xuất khẩu.
“Khi nào gỡ được những nút thắt trên, DN tư nhân mới có thể phát triển và trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế đi lên”, TS An kiến nghị.
“DNNN “đóng góp” nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia - cục máu đông cản trở phát triển kinh tế. Thậm chí, DNNN còn là yếu tố gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, cả trực tiếp (mất vốn, gây lãng phí lớn) lẫn gián tiếp (làm méo mó môi trường kinh doanh)”. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/