|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM: 83% dân số trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi vắc xin COVID-19, vì sao ca nhiễm và tử vong vẫn cao?

10:36 | 01/09/2021
Chia sẻ
Số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng gia tăng, số ca tử vong ở mức cao là những vấn đề lớn mà TP HCM đang phải đối mặt trong những ngày gần đây, dù đã tiêm phủ mũi đầu tiên cho 83% dân số trên 18 tuổi.

Số ca cộng đồng, tử vong do COVID-19 tăng cao

Tính đến hết ngày 30/8, tổng số mũi vắc xin đã được TP HCM triển khai tiêm là 6.128.344, trong đó tổng số mũi 1 là 5.791.291, mũi 2 là 337.134. Như vậy, TP HCM đã hoàn thành phủ mũi 1 cho khoảng 83% dân số trên 18 tuổi và đang hướng tới mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 8,1 triệu người từ đây đến cuối năm nay.

Mặc dù đang thực hiện giãn cách, số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại TP HCM có xu hướng tăng cao trong những ngày gần đây. Bên cạnh đó, theo nhận định của Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết trong cuộc họp báo chiều 31/8, tỷ lệ tử vong của TP HCM đang ở mức cao.

Trung bình trong 7 ngày gần đây, TP HCM ghi nhận khoảng hơn 5.000 trường hợp/ngày. Đáng chú ý, số trường hợp COVID-19 tại cộng đồng ở TP HCM tăng rất nhanh trong những ngày qua, chiếm phần lớn số ca nhiễm trong ngày tại đây.

TP HCM: 83% dân số trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi vắc xin COVID-19, vì sao ca nhiễm và tử vong vẫn cao? - Ảnh 1.

Biểu đồ: Phương Trang.

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP HCM, tính riêng trong ngày 30/8, TP HCM ghi nhận tổng 4.764 trường hợp tại cộng đồng, trong khi số ca nhiễm trong ngày là 5.889. Bên cạnh đó, các trường hợp trong khu cách ly, khu phong tỏa chỉ chiếm phần nhỏ số ca nhiễm trong ngày.

Tại cuộc họp báo ngày 31/8, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin, tính đến ngày 30/8, TP HCM có 59.093 trường hợp F0 đang cách ly tại nhà, đây là những F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; diễn tiến nặng chiếm khoảng 0,4%.

Về tình trạng tử vong do COVID-19 tại TP HCM, ông nhận định, nếu tính trên tổng số ca điều trị tại bệnh viện là 158.262 thì tỷ lệ tử vong là 5,8%. Nhưng nếu cộng thêm hơn 59.000 F0 đang điều trị tại nhà (F0 cách ly tại nhà + F0 điều trị tại bệnh viện) thì tỷ lệ này trong khoảng 4,2%.

Trong đó, tỷ lệ tử vong trên số ca điều trị tại tầng 2 là 4,4%, tầng 3 là 32%. Tỷ lệ này được tính bằng số ca tử vong trên tổng số bệnh nhân đang điều trị tại từng tầng. Ông Châu khẳng định TP HCM đang nỗ lực mở rộng năng lực điều trị tại cả hai tầng này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tùy giai đoạn, có nơi tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 2,1-4,4%. "Tỷ lệ tử vong TP HCM hiện nằm trong giới hạn cao. Ngành y tế TP đang tìm mọi cách để giảm con số này", Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM chia sẻ.

Lý giải về 335 ca tử vong trong ngày 30/8, dù trước đó số lượng tử vong giảm, bác sĩ Châu cho biết từ lúc một người nhiễm bệnh sẽ có độ trễ 5-7 ngày để virus phát triển gây ra triệu chứng, lúc này sức khỏe có thể diễn tiến nặng. 80% ca nhiễm sau 5-6 ngày sẽ tự thuyên giảm và tự khỏi. Số còn lại sau từ 7 đến 10 ngày sẽ diễn tiến nặng, tổn thương đường hô hấp và phải nhập viện.

Từ lúc nhập viện lại có thêm độ trễ khoảng 7 đến 10 ngày điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục hoặc phải thở máy xâm lấn. Như vậy, số ca tử vong cũng như nhập viện sẽ có độ trễ so với đỉnh dịch của TP HCM.

"Sở nhận định có thể trong một tuần tới số ca tử vong mới có hy vọng cải thiện và giảm", ông nói.

Vắc xin cần thời gian để phát huy tác dụng phòng bệnh

Vắc xin COVID-19 đã được chứng minh về tính an toàn và hiệu quả trong việc giảm thiểu nguy cơ tử vong, bệnh nặng do COVID-19. Cũng giống như tất cả các loại vắc xin khác, sau khi tiêm liều đầu tiên vào ngày hôm qua thì hôm nay cơ thể vẫn chưa được bảo vệ. Bởi cơ thể cần thời gian để tạo ra đủ kháng thể sau khi tiêm vắc xin.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mọi người cần phải tiêm đầy đủ số liều để có thể xây dựng khả năng miễn dịch hiệu quả nhất. Đối với loại vắc xin hai liều, hiệu quả bảo vệ của nó chỉ là một phần sau liều đầu tiên và liều thứ hai sẽ làm tăng tối đa khả năng bảo vệ.

Vì sao TP HCM đã tiêm phủ mũi 1 cho 83% dân số, ca nhiễm và tử vong vẫn cao? - Ảnh 2.

Người dân TP HCM tiêm vắc xin phòng COVID-19. (Ảnh: Thanh niên).

Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, Bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết vắc xin phòng COVID-19 sẽ không có tác dụng bảo vệ cho người được tiêm chủng ngay lập tức.

Sau mũi tiêm đầu tiên phải chờ ít nhất hai tuần sau thì vắc xin mới bắt đầu có tác dụng và mức bảo vệ khi này chỉ đạt ở mức rất thấp. Phải sau một tháng sau khi tiêm mũi thứ hai, vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, tuy nhiên hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức từ 60%-90% tùy theo từng loại vắc xin phòng COVID-19 khác nhau.

Đến cuối năm nay, TP HCM dự kiến hoàn thành tiêm vắc xin cho 8,1 triệu người trên 18 tuổi

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM cũng vừa ban hành kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19 từ ngày 29/8 - 31/12. Mục tiêu cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn thành phố (không xét các điều kiện về cư trú, con số này là khoảng 8,1 triệu người).

TP HCM đã xây dựng kết hoạch 4 giai đoạn đoạn tiêm chủng, tổng cộng số lượng vắc xin cần sử dụng cho 4 đợt từ ngày 29/8 - 31/12 là khoảng hơn 8,1 triệu liều. Trong đó, sử dụng cho mũi 1 khoảng 1,4 triệu liều; sử dụng cho mũi 2 khoảng hơn 6,7 triệu.

Tính đến 18h ngày 31/8, TP HCM có 221.254 trường hợp mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố. Hiện,TP HCM đang đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát người mắc COVID-19 trong cộng đồng để mở rộng vùng xanh khiến số lượng F0 tăng. Ngành y tế cũng đã lên phương án điều trị phù hợp theo từng cấp độ để tránh tình trạng chuyển viện và hạn chế tỷ lệ tử vong.

Phương Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.