|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Top20 rủi ro với thị trường tài chính 2020: Bất ngờ với vị trí quán quân

11:49 | 11/11/2019
Chia sẻ
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đang liên tục phá đỉnh trong những tuần cuối năm 2019, dù vậy các chuyên gia đầu tư tại Phố Wall đã bắt đầu đưa ra cảnh báo về hàng loạt những rủi ro đang chờ đợi thị trường trong năm 2020 tới.
ckm Getty Images

Nhà đầu tư Mỹ trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Ảnh: Getty Images.

Kinh tế trưởng của Deutsche Bank, ông Torsten Slok mới đây đã gửi tới khách hàng của mình một bản danh sách liệt kê 20 rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế và các thị trường tài chính trong năm sau.

Top20 rủi ro với thị trường tài chính thế giới 2020:

1. Gia tăng bất bình đẳng của cải, bất bình đẳng thu nhập và chăm sóc y tế.

2. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một vẫn chưa được kí kết,lo lắng về những gì sẽ diễn ra sau giai đoạn một.

3. Những bất định về chiến tranh thương mại tiếp tục kiềm chế đầu tư tài sản cố định của doanh nghiệp.

4. Tăng trưởng tại Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản tiếp tục chậm lại khiến đồng USD liên tục lên giá.

5. Bất định liên quan tới vụ luận tội Tổng thống Trump và nguy cơ chính phủ bị đóng cửa.

6. Bất định về cuộc bầu cử Tổng thống và khả năng tác động tới chính sách thuế, quản lí nhà nước và đầu tư tài sản cố định.

7. Các qui định chống độc quyền, bảo vệ quyền riêng tư và quản lí ngành công nghệ.

8. Nhà đầu tư nước ngoài quay lưng lại với thị trường tín dụng và trái phiếu chính phủ Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống.

9. Chính sách mở rộng tài khóa kiểu Lí thuyết tiền tệ hiện đại (Modern Monetary Theory) làm tăng trưởng tăng mạnh ở Mỹ và/hoặc châu Âu.

10. Mức nợ chính phủ Mỹ bắt đầu tác động đến lãi suất kì hạn dài

11. Sự mất cân đối trong cung – cầu trái phiếu chính phủ Mỹ, khiến lãi suất repo tăng sốc một lần nữa.

12. Fed không muốn hạ lãi suất trong năm bầu cử

13. Tình trạng tín dụng thắt chặt khi sự phân biệt giữa xếp hạng tín dụng tiêu dùng CCC và BBB ngày càng rõ rệt.

14. Tình trạng tín dụng thắt chặt khi sự phân biệt giữa xếp hạng tín dụng doanh nghiệp CCC và BBB ngày càng rõ rệt.

15. Thiên thần sa ngã: Thêm nhiều doanh nghiệp bị hạ khỏi bậc xếp hạng tín nhiệm BBB và chuyển sang nhóm lợi suất cao (High Yield).

16. Giá trị chứng khoán nợ lợi suất âm tăng lên khiến nhà đầu tư toàn cầu quay lại cuộc săn tìm lợi suất ở thị trường tín dụng Mỹ.

17. Lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm dẫn tới chi tiêu cho mua lại cổ phiếu đi xuống.

18. Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu tụt dốc tạo ra rủi ro cho thị trường và nền kinh tế thế giới.

19. Giá nhà ở Australia, Canada và Thụy Điển rơi tự do

20. Những bất định liên quan đến Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu EU) vẫn kéo dài dai dẳng.

Bất bình đẳng: Vấn đề "siêu to khổng lồ"

Bản danh sách có những nhân tố quen thuộc xuất hiện đầy rẫy trên mặt báo hàng ngày  như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, luận tội Tổng thống Trump, …

Tuy nhiên yếu tố được Deutsche Bank coi là rủi ro hàng đầu lại là "sự gia tăng về bất bình đẳng của cải, thu nhập và chăm sóc y tế".

Đây cũng chính là vấn đề trọng tâm, cốt lõi trong cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra gay cấn. Các ứng viên nặng kí của Đảng Dân chủ như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren hay Bernie Sanders đều kêu gọi mạnh tay đánh thuế những người giàu có nhất nước Mỹ để thu hẹp bất bình đẳng.

Trả lời hãng tin CNBC, ông Torsten Slok - Kinh tế trưởng của Deutsche Bank cho biết: "Chiến tranh thương mại và vụ luận tội là những rủi ro ngắn hạn và có thể được giải quyết sớm, thậm chí là ngay trong năm nay. Trong khi đó, bất bình đẳng gia tăng là vấn đề mang tính dài hạn hơn và cần được giải quyết về mặt chính trị trong tương lai".

Một số chuyên gia tại Phố Wall cho rằng việc bà Warren ngày càng chiếm ưu thế trong cuộc đua đến ghế Tổng thống đã trở thành mối lo ngại mới của thị trường. Các nhà đầu tư tỉ phú Paul Tudor Jones và Leon Cooperman gần đây cảnh báo rằng nếu bà Warren trở thành chủ nhân Nhà Trắng, thị trường sẽ điều chỉnh.

Chủ tịch kiêm CEO của JP Morgan Chase, tỉ phú Jamie Dimon cũng phải đồng ý với các chính trị gia Đảng Dân chủ về vấn đề bất bình đẳng trong xã hội.

Phát biểu trong chương trình "60 Minutes" của đài CBS tối 10/11, ông Dimon nói: "Tôi nghĩ bất bình đẳng của cải là một vấn đề khổng lồ. Những người giàu đã trở nền giàu có hơn rất nhiều theo nhiều cách khác nhau, tầng lớp trung lưu chỉ đi ngang trong khoảng 15 năm qua, và điều này không hẳn là tốt cho nước Mỹ".

Ông còn nói thêm rằng những người thu nhập thấp đã bị bỏ lại phía sau. "Chúng ta chưa làm tốt việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, làm được như vậy sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề", Chủ tịch ngân hàng lớn nhất nước Mỹ nhận định.

Top20 rủi ro với thị trường tài chính 2020: Bất ngờ với vị trí quán quân - Ảnh 4.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc JP Morgan Chase - Jamie Dimon. Ảnh: CNBC.

Năm ngoái, ông Dimon nhận lương 31 triệu USD. Khi được hỏi liệu con số này có quá cao hay không, ông tránh trả lời thẳng vào vấn đề: Hội đồng quản trị của JP Morgan Chase xác định mức lương và "tôi không liên quan gì đến việc này".

Dù đồng ý rằng bất bình đẳng là một vấn đề lớn, ông Dimon lại không ủng hộ kế hoạch đánh thuế và chỉ trích người giàu của các ứng viên Đảng Dân chủ:

"Tôi nghĩ chúng ta không nên chê trách những người làm việc vất vả để đạt được thành tựu huy hoàng". Ông cho rằng có nhiều giải pháp khác để giải quyết vấn đề bất bình đẳng như thay đổi mức lương tối thiểu hay giảm thuế cho người nghèo hoặc trung lưu.

Dai dẳng chiến tranh thương mại

Mặc dù căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây đã lắng dịu khi hai bên nỗ lực hoàn thiện thỏa thuận giai đoạn một, thị trường chứng khoán vẫn đang hết sức lo ngại.

Thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump dội một gáo nước lạnh lên hi vọng chấm dứt căng thẳng khi ông tuyên bố rằng ông vẫn chưa đồng ý gỡ dần thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc như một số báo chí đưa tin trước đó. 

Cụ thể, ông Trump nói: "Tôi chưa đồng ý bất cứ điều gì cả". Thông tin này đã kéo theo sự biến động mạnh của cả thị trường chứng khoán và ngoại hối Mỹ.

Deutsche Bank lo ngại rằng những bất định về chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới đầu tư của doanh nghiệp.

Nói về nền kinh tế Trung Quốc, Tổng thống Mỹ khẳng định cứng rắn: "Trung Quốc đang rất mong mỏi có một thỏa thuận. Họ đang trải qua năm tồi tệ nhất trong 57 năm qua. Chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã vỡ tan tành như một quả trứng.

Họ muốn đạt một thỏa thuận, hoặc có lẽ họ buộc phải đạt được một thỏa thuận. Tôi không biết và cũng không quan tâm, đó là việc của họ".

Song Ngọc