|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổng Giám đốc FLC: Kỳ vọng cổ phiếu sớm lên UPCoM sau khi hủy niêm yết, cổ đông được đảm bảo đủ quyền lợi

14:47 | 17/02/2023
Chia sẻ
Tổng Giám đốc Bùi Hải Huyền vừa gửi đi thông báo tới cổ đông của Tập đoàn FLC nhằm cung cấp thêm thông tin xoay quanh việc cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết khỏi sàn HOSE.

Tổng Giám đốc FLC Bùi Hải Huyền. (Ảnh: Song Ngọc). 

Hôm 14/2 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) ra quyết định hủy niêm yết 710 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC kể từ ngày 20/2 sắp tới. Hôm nay 17/2, bà Bùi Hải Huyền, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, đã gửi ra thông báo nhằm giải thích và trấn an cổ đông xoay quanh câu chuyện hủy niêm yết này.

Quyền lợi của cổ đông FLC

Theo bà Huyền, cổ đông vẫn đương nhiên được đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty. Trong mọi trường hợp, cổ đông được toàn quyền sở hữu, định đoạt đối với các cổ phiếu FLC mà cổ đông đang sở hữu.

Cổ đông cũng được phép tham gia đại hội đồng cổ đông, quyền biểu quyết, đề cử và ứng cử thành viên Hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty.

Căn cứ quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 133 Nghị định 155/2020: “Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày hủy bỏ niêm yết có hiệu lực, Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty bị hủy bỏ niêm yết.”

Tổng Giám đốc FLC cho biết Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã gửi quyết định hủy niêm yết cổ phiếu FLC đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) – đơn vị trực tiếp quản lý thị trường UPCoM – và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam nhằm phối hợp đăng ký giao dịch cổ phiếu FLC trên hệ thống giao dịch UPCoM.

“Tập đoàn FLC sẽ thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu FLC trên hệ thống giao dịch UPCoM ngay sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ban hành Quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch,” Tổng Giám đốc FLC Bùi Hải Huyền viết trong thông báo.

Tuy nhiên như chúng tôi đã đưa tin, nhà đầu tư cần lưu ý rằng UPCoM không phải là điểm đến cuối cùng của những cổ phiếu bị hủy niêm yết khỏi sàn HOSE và HNX. Các cổ phiếu ở UPCoM cũng có thể bị hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch hoặc hủy đăng ký giao dịch nếu liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin và các quy định khác.

Điều 34 của Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành ngày 16/11/2022, nêu rõ: Cổ phiếu UPCoM có thể bị hạn chế giao dịch nếu doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin.

Điều 35 và Điều 36 của Quy chế trên cho biết nếu doanh nghiệp không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo thì cổ phiếu có thể bị tạm ngừng hoặc đình chỉ giao dịch.

Điều 137 của Nghị định 155/2020 cho phép Sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu UPCoM nếu xét thấy đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Vì đâu nên nỗi?

Ban lãnh đạo FLC xin lỗi cổ đông vì cổ phiếu bị hủy niêm yết. (Trích thông báo ngày 17/2 của Tổng Giám đốc Bùi Hải Huyền).

Cuối tháng 3 – đầu tháng 4/2022, các lãnh đạo Tập đoàn FLC khi đó là Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết và Phó Chủ tịch Thường trực Hương Trần Kiều Dung bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra vụ án thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

“Tập đoàn FLC và các đơn vị thành viên đã phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, tin đồn không chính thống, cũng như các vấn đề phát sinh có liên quan đến vụ việc”, thông báo ngày 17/2 của FLC có đoạn viết.

Cùng khoảng thời gian các lãnh đạo cấp cao nhất của FLC vướng vòng lao lý, công ty kiểm toán mà Tập đoàn lựa chọn để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết.

Ông Trịnh Văn Quyết khi còn là Chủ tịch Tập đoàn FLC. (Ảnh: Song Ngọc).

Sau khi tìm kiếm từ cuối tháng 3 tới ngày 21/7, FLC đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với Công ty Kiểm toán An Việt – một trong những đơn vị được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết. Tại đại hội cổ đông bất thường ngày 2/7, lãnh đạo FLC từng kỳ vọng có thể hoàn tất kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 trong tháng 8/2022

Tuy nhiên đến tháng 9, quá trình kiểm toán vẫn chưa hoàn thành và FLC đã chấm dứt hợp đồng với An Việt với lý do An Việt không bố trí được thời gian và nhân sự để cung cấp dịch vụ kiểm toán theo quy định của hợp đồng đã ký kết.

Ngày 20/9, FLC ký hợp đồng dịch vụ kiểm toán mới với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Lãnh đạo FLC kỳ vọng có thể hoàn tất quá trình kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 trong tháng 11 – 12/2022 nhưng thực tế đến nay chưa xong.

FLC đã không nộp đúng hạn các tài liệu: báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, báo cáo thường niên 2021, báo cáo soát xét bán niên 2022, báo cáo tài chính quý IV/2022. Vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, cổ phiếu FLC đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) lần lượt đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch và cuối cùng là hủy niêm yết.

Lãnh đạo FLC cho biết tập đoàn đã cố gắng hết sức để chấp hành quy định về công bố thông tin, đồng thời nhiều lần gửi văn bản giải trình tới các cơ quan chức năng với lập luận rằng việc FLC chưa có báo cáo tài chính kiểm toán là sự kiện bất khả kháng, ngoài tầm kiểm soát của tập đoàn.

Tuy nhiên, HOSE và Ủy ban Chứng khoán không chấp nhận lập luận này và vẫn quyết định hủy niêm yết 710 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 20/2/2023 để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

 

Đức Quyền