Từ chuyện hủy niêm yết FLC, NĐT 22 năm kinh nghiệm chia sẻ: 'Có dấu hiệu bị huỷ niêm yết tôi sẽ dừng đầu tư ngay'
Trong ngày hôm qua (14/2) nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC lo lắng cho khoản đầu tư có thể bị "mất trắng" khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC với tổng giá trị 7.100 tỷ đồng, ngày hủy niêm yết có hiệu lực là thứ Hai ngày 20/2.
Chia sẻ về sự kiện này, trong chương trình Bí mật đồng tiền diễn ra trưa ngày 15/2, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó Giám đốc Chiến lược Đầu tư SSI Research, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho biết "Vẫn có kịch bản cổ phiếu FLC được giao dịch trên thị trường UPCoM khi thoả mãn các điều kiện".
Tuy nhiên điều quan trọng nhất nhà đầu tư cần theo dõi là các công bố từ chính doanh nghiệp, sau đó đến các biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp của các cơ quan quản lý.
Còn theo ông Nguyễn Trần Hải, với tư cách của một nhà đầu tư 22 năm kinh nghiệm trên thị trường chia sẻ rằng ông đã từng đầu tư vào một cổ phiếu khác bị huỷ niêm yết là PVF của Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC). Doanh nghiệp này sau đó hợp nhất với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Tây (Westernbank) thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).
"Mặc dù hiện tại doanh nghiệp vẫn đang hoạt động tốt nhưng đến nay cổ phiếu vẫn chưa được niêm yết lại. Từ kinh nghiệm này, khi doanh nghiệp có dấu hiệu bị huỷ niêm yết tôi sẽ dừng đầu tư ngay", ông Hải cho biết.
Thông tin thêm, quy định để cổ phiếu được niêm yết trở lại sau khi bị huỷ niêm yết, theo Khoản 1 Điều 122 Nghị định 155/2020 quy định: Tổ chức có cổ phiếu bị hủy niêm yết theo quy định tại Điều 120 (hủy niêm yết bắt buộc), Điều 121 (hủy niêm yết tự nguyện) của Nghị định này chỉ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu hai năm trên hệ thống giao dịch UPCoM. Các điều kiện để niêm yết được thực hiện theo quy định tại Điều 109 của Nghị định 155.
Nếu sau khi bị hủy niêm yết, cổ phiếu không được UPCoM chấp nhận đăng ký giao dịch thì doanh nghiệp cũng sẽ không thể niêm yết trở lại. Nếu được giao dịch ở UPCoM, doanh nghiệp cũng sẽ phải chờ hai năm sau mới có cơ hội quay lại sàn HOSE, HNX.