|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu FLC, ROS, … bị hủy niêm yết: Nhà đầu tư có mất trắng? Khi nào có thể niêm yết lại?

09:36 | 15/02/2023
Chia sẻ
Cổ phiếu bị hủy niêm yết như trường hợp FLC, ROS gần đây không đồng nghĩa với việc bị hủy giá trị, nhà đầu tư vẫn nắm quyền sở hữu và có thể mua bán cổ phiếu. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch sẽ khó khăn hơn trước rất nhiều và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cổ phiếu Tập đoàn FLC sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 20/2/2023. (Ảnh tư liệu: Song Ngọc).

Nhà đầu tư có mất trắng khi cổ phiếu bị hủy niêm yết?

Cổ phiếu tại Việt Nam có thể được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường của những công ty đại chúng chưa niêm yết (Unlisted Public Company Market, viết tắt là UPCoM). Hệ thống UPCoM cũng do HNX quản lý.

Các cổ phiếu ở HOSE, HNX và UPCoM có thể được giao dịch dễ dàng. Nhà đầu tư thường chỉ cần dùng máy vi tính hoặc điện thoại thông minh (smartphone) để truy cập vào hệ thống của công ty chứng khoán nơi mình mở tài khoản là có thể nhập lệnh mua bán cổ phiếu.

Khi cổ phiếu bị hủy niêm yết khỏi sàn HOSE và HNX, mã cổ phiếu đó sẽ biến mất khỏi bảng giá của các công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư không mất trắng, quyền sở hữu của nhà đầu tư với cổ phiếu luôn được bảo đảm.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa cổ phiếu đang niêm yết và cổ phiếu bị hủy niêm yết là mức độ dễ dàng trong thực hiện giao dịch.

Nếu không mất trắng, nhà đầu tư bị ảnh hưởng gì?

Việc cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ khiến cho nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc giao dịch. Thay vì chỉ cần gõ phím trên máy tính hay điện thoại, nhà đầu tư sẽ phải liên hệ trực tiếp với các nhà đầu tư khác có nhu cầu ăn khớp với mình để giao dịch.

Người muốn bán cổ phiếu sẽ phải đi tìm người muốn mua (thông qua các hội nhóm, mạng xã hội, người quen, …) và người muốn mua cổ phiếu phải tìm người muốn bán, hai bên liên lạc với nhau rồi đàm phán giá cả và khối lượng giao dịch. Nếu không thể thống nhất, hai bên sẽ lại phải đi tìm đối tác khác để mua bán.

Vì hoạt động giao dịch có nhiều trở ngại, thanh khoản thấp, cổ phiếu bị hủy niêm yết thường kém hấp dẫn nhà đầu tư hơn và do vậy có giá thấp hơn so với cổ phiếu đang niêm yết.

Nói cách khác, cổ đông không mất trắng khi cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn bán để lấy tiền mặt, giá bán cũng bị ảnh hưởng.

Tại sao cổ phiếu bị hủy niêm yết?

Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán nêu ra hai trường hợp hủy niêm yết cổ phiếu là hủy niêm yết tự nguyện và hủy niêm yết bắt buộc.

Điều 121 của Nghị định 155 nêu rõ: Quyết định hủy bỏ niêm yết tự nguyện được Đại hội đồng cổ đông, Đại hội nhà đầu tư biểu quyết thông qua theo quy định pháp luật, trong đó phải được trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn thông qua.

Việc hủy bỏ niêm yết tự nguyện chỉ được thực hiện sau tối thiểu hai năm kể từ ngày có Quyết định chấp thuận niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán.

Khoản 1 Điều 120 liệt kê hàng loạt trường hợp cổ phiếu có thể bị hủy niêm yết bắt buộc, ví dụ như: doanh nghiệp niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng, ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động kinh doanh chính từ một năm trở lên, cổ phiếu không có giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán trong 12 tháng, doanh nghiệp niêm yết thua lỗ ba năm liên tục, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm, doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản, chậm nộp báo cáo tài chính ba năm liên tiếp, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, …

HOSE mới đây đã nhắc nhở Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) về khả năng 2,2 tỷ cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính kiểm toán 2022 cho thấy kết quả kinh doanh thua lỗ năm thứ ba liên tiếp, hoặc vốn chủ sở hữu âm, hoặc lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ như đã thể hiện trong báo cáo chưa kiểm toán.

Hơn 567 triệu cổ phiếu ROS do CTCP Xây dựng FLC Faros phát hành đã bị hủy niêm yết từ ngày 5/9/2022 vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Cụ thể, cho đến thời điểm này, FLC Faros vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021, báo cáo thường niên 2021, báo cáo tài chính quý I, II, III và IV/2022 dù hạn chót đã qua từ lâu.

Gần đây nhất vào ngày 14/2/2023, HOSE thông báo sẽ hủy niêm yết 710 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC cũng với lý do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Tương tự như ROS, Tập đoàn FLC chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021, báo cáo thường niên 2021, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, báo cáo tài chính quý IV/2022.

Cổ phiếu FLC lên sàn vào tháng 8/2013, bị hủy niêm yết từ ngày 20/2/2023 tới đây.

Cổ phiếu đi về đâu sau khi bị hủy niêm yết? Có tự động vào UPCoM?

Khoản 2 Điều 120 của Nghị định 155/2020 nêu rõ: “Cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM theo quy định tại Điều 133 Nghị định này.”

Khoản 2 Điều 133 quy định: “Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày hủy bỏ niêm yết có hiệu lực, Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty bị hủy bỏ niêm yết.”

Thực tế trong năm 2022, đã có nhiều cổ phiếu hủy niêm yết ở HOSE hoặc HNX rồi sau đó được giao dịch ở thị trường UPCoM như mã FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân, hay PXS của Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí, …

Việc đăng ký giao dịch ở UPCoM giúp cổ phiếu duy trì được thanh khoản, nhà đầu tư vẫn có thể đặt lệnh mua bán qua bảng giá của công ty chứng khoán. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào rời sàn HOSE và HNX cũng được UPCoM lập tức chào đón.

Cơ quan công an đang điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc nâng khống vốn điều lệ của FLC Faros từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng. Hồ sơ của FLC Faros về việc đăng ký giao dịch cổ phiếu ROS sẽ chỉ được xem xét sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và hướng dẫn của cơ quan quản lý.

Do vậy, ROS bị hủy niêm yết từ ngày 5/9 năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa được giao dịch ở UPCoM.

ROS lên sàn HOSE vào tháng 9/2016, bị hủy niêm yết vào tháng 9/2022.

Ngoài ra, cổ phiếu ở UPCoM cũng có thể bị hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch hoặc hủy đăng ký giao dịch nếu liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin và các quy định khác.

Điều 34 của Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành ngày 16/11/2022, cho biết cổ phiếu UPCoM có thể bị hạn chế giao dịch nếu doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin.

Điều 35 và Điều 36 của Quy chế trên cho biết nếu doanh nghiệp không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo thì cổ phiếu có thể bị tạm ngừng hoặc đình chỉ giao dịch.

Điều 137 của Nghị định 155/2020 cho phép Sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu nếu xét thấy đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Tập đoàn FLC từng thanh minh rằng việc vi phạm các nghĩa vụ công bố báo cáo tài chính hoàn toàn là do nguyên nhân khách quan, tình thế bất khả kháng. Tuy nhiên, HOSE vẫn ra quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu FLC. 

Giả sử sau khi hủy niêm yết, FLC được chấp thuận giao dịch tại thị trường UPCoM thì Tập đoàn vẫn sẽ phải khẩn trương giải quyết “nút thắt” liên quan tới soát xét và kiểm toán báo cáo tài chính. Nếu không, doanh nghiệp sẽ lại vi phạm Quy chế của UPCoM và tiếp tục bị hạn chế, đình chỉ và hủy đăng ký giao dịch.

Sau khi bị hủy niêm yết, khi nào có thể niêm yết trở lại?

Khoản 1 Điều 122 Nghị định 155/2020 quy định: Tổ chức có cổ phiếu bị hủy niêm yết theo quy định tại Điều 120 (hủy niêm yết bắt buộc), Điều 121 (hủy niêm yết tự nguyện) của Nghị định này chỉ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu hai năm trên hệ thống giao dịch UPCoM. Các điều kiện để niêm yết được thực hiện theo quy định tại Điều 109 của Nghị định 155.

Nếu sau khi bị hủy niêm yết, cổ phiếu không được UPCoM chấp nhận đăng ký giao dịch như trường hợp của ROS hiện nay, thì doanh nghiệp cũng sẽ không thể niêm yết trở lại. Nếu được giao dịch ở UPCoM, doanh nghiệp cũng sẽ phải chờ hai năm sau mới có cơ hội quay lại sàn HOSE, HNX.

Bài học cho nhà đầu tư

Như đã nói, việc cổ phiếu bị hủy niêm yết không có nghĩa là nhà đầu tư mất hết. Thậm chí, nếu doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh và đưa cổ phiếu quay lại niêm yết, các “cổ đông dài hạn bất đắc dĩ” còn có khả năng hưởng lợi. Tuy nhiên, rủi ro khi nắm giữ cổ phiếu bị hủy niêm yết là không thể xem nhẹ và nhà đầu tư cần thận trọng xem xét để tránh những mất mát không đáng có.

Những doanh nghiệp có vấn đề về quản trị và tiềm ẩn rủi ro với nhà đầu tư thường có một số biểu hiện đặc trưng như: thường xuyên thay đổi nhân sự trong bộ phận kế toán và kiểm toán nội bộ, liên tục thay đổi công ty kiểm toán độc lập, thường xuyên thay lãnh đạo cấp cao, số liệu trong báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán hay có chênh lệch lớn, vướng vào các vụ án nghiêm trọng, ….

Việc hủy niêm yết cũng không diễn ra đột ngột mà có rất nhiều cảnh báo trước. Ví dụ trong trường hợp của FLC hay ROS, Sở Giao dịch Chứng khoán HOSE đã nhiều lần ra công văn nhắc nhở việc vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, doanh nghiệp phải nhiều lần giải trình. Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, sau đó là diện kiểm soát, rồi kiểm soát đặc biệt, sau đó mới bị đình chỉ giao dịch và hủy niêm yết.

Những nhà đầu tư thận trọng có nhiều thời gian và cơ hội để thoát khỏi các cổ phiếu có nguy cơ hủy niêm yết và không bị mắc kẹt.

Song Ngọc - Đức Quyền