Tổng công ty Đường sắt kêu khó khi về 'Siêu ủy ban'
Câu chuyện này được ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam kể sáng 20/2 tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng và Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp (Siêu ủy ban).
Là một trong 19 đơn vị đã chuyển về Siêu ủy ban năm ngoái nhưng Tổng công ty Đường sắt vừa xin được về lại Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Ông Minh kể, định kỳ ngày 31/12 hằng năm, Tổng công ty Đường sắt sẽ nhận được phê duyệt dự toán, trong đó có phần chi dành cho hoạt động công ích tuần đường, gác chắn.
Hơn 11.300 nhân sự bộ phận hạ tầng tại 20 công ty thành viên trông coi an toàn cho hàng nghìn km đường sắt trông chờ vào dự toán này để làm căn cứ trả lương. Nhưng theo ông Minh, từ đầu năm nay, do Tổng công ty đã được giao về Siêu ủy ban quản lý vốn, việc trả lương chưa được thực hiện vì vướng Điều 49 của Luật Ngân sách.
Ông nói, Quốc hội đã ra Nghị quyết 87 trong đó nêu rõ "tiếp tục cơ chế giao vốn dự toán ngân sách, bảo trì đường sắt cho Bộ Giao thông Vận tải". Tuy nhiên, vướng mắc lại phát sinh khi Tổng công ty và Bộ có quan điểm khác nhau về câu chữ của nghị quyết.
"Tổng công ty đã gửi văn bản kiến nghị, kể cả vượt cấp, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi phải lựa chọn, dừng tàu hay chạy tiếp, nhưng dù dừng hay chạy thì chúng tôi đều làm sai", ông Minh nói. Nếu Tổng công ty Đường sắt dừng tàu thì ảnh hưởng đến hơn 30.000 cán bộ nhưng nếu tiếp tục chạy, sẽ là sai cho những nhân viên tuần đường, gác chắn bởi họ không có hợp đồng.
"Đến đầu tháng 3 mà không được giải quyết thì phải báo cáo Chính phủ cho dừng tàu, vì không ai làm tuần đường gác chắn", ông nói.
Hai tháng đầu năm, Tổng công ty đã ứng tiền trước để trả lương. "Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, bản chất là chúng tôi cũng đang làm sai vì chưa có dự toán, chưa ký hợp đồng thì sao có thể ứng tiền", ông Minh nói và cho biết tình thế đang "vô cùng cấp bách".
Vướng mắc trong cơ chế, văn bản luật sau khi về "Siêu ủy ban" cũng được Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nêu.
Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines lấy ví dụ, giai đoạn trước, khi tổng công ty này trình kế hoạch đầu tư tàu bay, nhanh thì ba tuần, chậm thì 6 tháng được phê duyệt.
Nhưng tờ trình gần nhất về việc đầu tư dòng máy bay thân hẹp của Vietnam Airlines đã hơn hai năm nhưng vẫn chưa được duyệt. "Vướng mắc lớn nhất nằm ở sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong các văn bản pháp luật", ông Minh nói.
Một vướng mắc khác được Chủ tịch Vietnam Airlines nhắc đến là việc phân cấp, ủy quyền cho người đại diện vốn nhà nước.
Theo quy định, những vấn đề lớn liên quan đến hoạt động doanh nghiệp trước khi trình Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị phải xin ý kiến Ủy ban quản lý vốn, nhưng quy định này cũng lồng thêm một ý là phải báo cáo cả "những vấn đề khác".
"Do chúng tôi không biết vấn đề khác này là những vấn đề gì nên chúng tôi báo cáo hết. Nhóm đại diện vốn tự đặt ra một ngưỡng là báo cáo các vấn đề với ủy ban trước một tuần khi họp Hội đồng quản trị.
Nếu không bị các vụ chức năng 'thổi còi' thì chúng tôi sẽ thông qua", ông Minh chia sẻ và kiến nghị ủy ban sớm thể chế hóa "những vấn đề khác cụ thể là gì".
Cũng giống như Tổng công ty Đường sắt hay Vietnam Airlines, vấn đề mà ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nêu ra là câu chuyện phê duyệt thẩm quyền đầu tư dự án. Bởi sự chồng chéo giữa các luật dẫn tới tình cảnh lãnh đạo SCIC gặp nhiều khó khăn khi quyết định chọn dự án.
Khi SCIC xin ý kiến của Ủy ban quản lý vốn để đầu tư một dự án, Ủy ban nói SCIC hỏi ý kiến Bộ Kế hoạch & Đầu tư vì liên quan đến Luật Đầu tư công, nhưng do dự án không thuộc một lĩnh vực nào trong Luật Đầu tư công, SCIC phải tham vấn thêm các bộ ngành khác, rồi cuối cùng không bên nào cho ý kiến. "Kiến nghị của doanh nghiệp đúng, trả lời của ủy ban cũng đúng, phản hồi của bộ ngành cũng thế, vậy cuối cùng lại trở về với kiến nghị ban đầu", ông Chi nói.
Siêu Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty, với số vốn nắm giữ khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, ra mắt vào tháng 9/2018.
Lý giải việc này, Thứ tưởng Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng nói đa phần những vướng mắc là trong các quy định của luật. "Lúc xây dựng các văn bản luật trước đây chưa tính tới các hệ thống cơ quan đại diện sở hữu, cơ quan quản lý vốn, nên những luật này vẫn chưa áp dụng được ngay", ông Thắng nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Thắng cho rằng cũng có vấn đề do cách tiếp cận của các tập đoàn, tổng công ty. Có những trường hợp, các doanh nghiệp tư nhân cũng phải áp dụng các quy định tương tự nhưng họ vẫn có thể thực hiện, trong khi các doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Như ngành hàng không, ông Thắng cho biết những doanh nghiệp tư nhân khác cũng phải tuân thủ theo Luật Đầu tư, nhưng họ vẫn làm được, trong khi những doanh nghiệp nhà nước như Vietnam Airlines lại vướng nhiều vấn đề.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/